Đây là chia sẻ của ông Moshe Sarfaty - nhà sáng lập và đồng sở hữu Quỹ Đầu tư mạo hiểm Krypton (Krypton Venture Capital) tại Hội thảo "Israel - From stones to a world changer" (tạm dịch: Israel - Từ hòn đá đến người thay đổi thế giới".
Kết nối với hội thảo bằng Skype từ Tel Aviv (Israel), nhà sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital - VC) sở hữu 1,2% tỷ lệ truy cập Internet trên toàn thế giới cho biết: "Chúng tôi đang nhắm tới các doanh nghiệp B2C, có đội ngũ sẵn sàng gắn kết, có sản phẩm trên thị trường và được chứng minh bởi thị trường".
B2C là từ viết tắt của Business-To-Customer - Doanh nghiệp tới khách hàng, là mô hình thương mại điện tử giao dịch giữa công ty (Business) và người tiêu dùng (Customer).
Đầu tư vào Start-up, nhìn Con người, Ý tưởng, Công nghệ...
Ông Moshe cho biết, khi Krypton VC chọn một công ty để đầu tư, điều đầu tiên là nhìn vào con người - nhóm thực hiện - của công ty đó, sau đó mới đến sản phẩm và thị trường. "Chúng tôi muốn nhìn thấy team này có nhiều hơn 1 người và có sự cống hiến hết mình cho công ty" - ông Moshe nói.
"Khi cân nhắc đầu tư vào công ty, chúng tôi xem xét cả về mặt công nghệ cũng như ý tưởng. Đối với công ty B2C, công nghệ không phải là tất cả, mà là team thực hiện và quá trình thực hiện sản phẩm".
Một yếu tố nữa được ông Moshe nhắc tới là yếu tố toàn cầu hóa: Các dự án khởi nghiệp (Start-up) cần có ý tưởng hướng tới thị trường toàn cầu.
Lãnh đạo Krypton cho biết, khi tìm được công ty đầu tư, ngoài việc đầu tư tiền, Krypton sẽ đầu tư về hình ảnh và truyền thông, giúp các đơn vị khởi nghiệp nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường.
Quá trình đầu tư của Krypton diễn ra chớp nhoáng. Khi tìm được công ty, ngay lập tức Krypton ký hợp đồng đầu tư tài chính và truyền thông cho công ty, đưa sản phẩm của công ty ra thế giới để xem phản ứng.
"Nếu sản phẩm nhận được phản ứng tích cực từ người tiêu dùng, chúng tôi tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh công ty trở thành công ty triệu USD. Ngược lại, chúng tôi sẽ kết thúc đầu tư" - ông Moshe thẳng thắn.
Ông cũng cho biết, Krypton đã đầu tư cho hơn 10 công ty vào năm ngoái. Và năm nay, Krypton mong đợi sự đầu tư tiếp theo sẽ dành cho 1 công ty Việt Nam.
VC của Việt Nam ở đâu?
"Nhiều bạn gặp chúng tôi nói là có công nghệ, ý tưởng, nhưng không biết đến đâu để học khởi nghiệp. VC thì rất khó. Đâu phải Start-up nào cũng được VC đầu tư. Trong khi đó, chúng tôi lại gặp rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và họ bảo chúng tôi là rất khó để tìm Start-up có chất lượng cao để đầu tư" - bà Phan Hoàng Lan - chuyên viên của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết.
Bà Lan cho biết trong lĩnh vực đào tạo cho các Start-up, Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường trực thuộc Cục đã triển khai 20 khóa đào tạo tại các địa phương về hỗ trợ khởi nghiệp.
"Bản thân Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ đang chủ trì đề án Thương mại hóa Công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon ở Việt Nam. Năm ngoái, chúng tôi đã đào tạo trong 1 BA (Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp - PV) gồm 9 Start-up. Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức 4 BA như vậy: 2 ở Hà Nội và 2 ở TPHCM, để tiếp tục hỗ trợ các Start-up làm thế nào để thành công" - bà Lan cho biết thêm.
Theo đề án trên, bên cạnh việc được hỗ trợ về đào tạo, các Start-up đc chọn vào BA sẽ được nhận 10.000 - 15.000 USD để bắt đầu đầu tư.
Ngoài việc đào tạo, Cục cũng sẽ tổ chức các sự kiện kết nối các nhà sáng lập - những bạn cùng ý tưởng, cùng mong muốn lập nghiệp - với nhau, những nhà cố vấn, các Mentors (người hướng dẫn)...
Cũng với mục tiêu kết nối và hỗ trợ các Start-up tại Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) - một trong 3 đơn vị tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Israel 2014" cho biết, sẽ thành lập Câu lạc bộ Những thiên thần đầu tư vào năm 2015.