Chủ trại nuôi rồng đất là ông Huỳnh Văn Cưng (Tư Cưng, 65 tuổi), người "có duyên" với những vật nuôi thuộc hàng hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên...
Rồng đất nuôi ở nhà ông Tư Cưng. |
Đây, đám rồng con
Mé trái căn nhà ông Tư Cưng hiện có ba chuồng nuôi rồng đất, cất khá công phu, theo hình ống. Mỗi chuồng có đường kính khoảng 5m, được quây tròn bằng các tấm thiếc phẳng lì, cao tới ngang ngực để ngăn không cho rồng bám lên, thoát ra ngoài.
Nền chuồng đổ cát núi, bên trong có bể nước, hang nhân tạo và có cả cây xanh như hòn non bộ cho rồng ngủ và... tắm nắng.
Các chuồng hiện nuôi nhốt hàng chục rồng bố mẹ và rồng con riêng biệt theo độ tuổi. Dù được nuôi nấng từ lúc mới sinh, cho ăn hằng ngày nhưng chúng khá nhút nhát, hễ thấy động là vội "biến mất" rất nhanh vào các lùm cây, hốc đá.
Theo lời kể của ông Tư Cưng, ngày trước ở vùng rừng núi Phú Quốc này rồng đất nhiều như ếch nhái trên đồng. Nhưng khi phát hiện con vật là món ăn ngon, bổ dưỡng người ta đã đổ xô lên rừng, lên suối săn rồng đất.
Chính tập tính của loài lưỡng cư này đã đưa chúng tới chỗ có nguy cơ diệt vong: ban đêm chúng thường bám trên những cành cây de ra mặt nước để ngủ, phòng khi có kẻ thù tấn công thì nhảy ngay xuống nước lặn trốn.
Ông Tư Cưng với con rồng đất đang lớn. |
Những tay thợ săn ban đêm dùng đèn soi rọi thẳng vô mắt cho rồng bị lóa, rồi lấy thòng lọng tròng vào cổ chúng mà giật. Hụt chết vài lần, rồng quen với cách đánh bắt này để lẩn tránh, thợ săn đổi phương thức khác còn ác nghiệt hơn: dùng bình ăcquy tạo xung điện dưới nước, chỗ rồng ngủ. Khi nghe động rồng phóng xuống nước, chưa kịp lặn đã dính chưởng, ngay đơ.
Trong tự nhiên, loài rồng đất rất thích ăn trùn, dế, sâu bọ, một năm tuổi có thể đạt trọng lượng tới gần 1kg, con trưởng thành có thể dài tới 1m. Bởi hương vị thịt rất thơm, ngọt và có tác dụng bồi bổ cơ thể, nên có dạo các quán đặc sản ra giá tới 500.000 đồng/kg vẫn không đủ cung ứng. Thợ săn mỗi đêm bắt được chừng 3-4 con, bỏ túi cả triệu đồng.
"Thấy vừa có lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn con vật không bị tuyệt chủng nên tui nghĩ ra cách nuôi rồng đất từ mấy năm trước. Rồi cơ duyên đưa tới, khi cách đây ba năm, UBND huyện Phú Quốc phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Kiên Giang thực hiện đề tài "Ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm rồng đất tại Phú Quốc", đã chọn nhà tui làm nơi triển khai thực hiện", ông Tư Cưng kể.
Từ kinh nghiệm sẵn có, kết hợp với kiến thức chuyên môn do kỹ sư chuyên ngành cung cấp, ông Tư Cưng và vợ - bà Trần Thị Liền, đã trở thành những người đầu tiên ở Phú Quốc (và cả tỉnh Kiên Giang) nuôi dưỡng và cho sinh sản rồng đất thương phẩm.
Từ 26 con giống bố mẹ ban đầu, vợ chồng ông Tư Cưng đã nhân giống ra hàng trăm con phục vụ việc nghiên cứu và nhân nuôi. Người dân các nơi trong và ngoài tỉnh Kiên Giang về Phú Quốc tham quan, du lịch, nghe đồn vợ chồng Tư Cưng nuôi đẻ rồng đất đã tìm đến xem con vật lạ.
Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyển giao kỹ thuật nuôi rồng đất cũng được cơ quan chuyên môn tổ chức ngay tại nhà ông Tư Cưng.
Khách coi xong thấy thích, muốn mua con vật về nuôi, vợ chồng ông Tư Cưng sẵn lòng chia lại với giá chừng 50.000 đồng/con giống. Vợ chồng ông còn nhiệt tình dành cả buổi để hướng dẫn cách thức làm chuồng, chọn thức ăn, cho sinh sản, ấp dưỡng trứng và chăm sóc rồng đất.
Kìa, con chình suối
Du khách thập phương đổ về Phú Quốc khó có thể bỏ qua món đặc sản thơm ngon bổ dưỡng: cá trê chình Phú Quốc, mà người dân địa phương thường gọi là cá chình suối.
Gọi đây là món đặc sản bởi không nơi đâu trên dải đất hình chữ S có giống cá này sinh sống. Thậm chí thế giới cũng chỉ ghi nhận tên giống loài này cách đây vài năm, khi nhóm nghiên cứu của nữ thạc sĩ Đặng Khánh Hồng (phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Kiên Giang) cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá này.
Và cũng chính nhóm nghiên cứu do thạc sĩ Đặng Khánh Hồng cùng thạc sĩ Nguyễn Văn Tư (phó trưởng khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) đứng đầu, bắt tay vào nghiên cứu, định danh loài "cá lạ" này.
Cá trê chình Phú Quốc. |
Khi ấy giới ngư học thế giới mới giật mình, công nhận đây là loài mới phát hiện, và được thống nhất lấy tên khoa học là Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011.
Sở dĩ có cái tên khá lạ này là do trong quá trình nghiên cứu, nhóm của thạc sĩ Hồng nhận thấy loài "cá lạ" này có hình ống gần giống cá chình, lại giống cá trê, cá ngát, nhưng trước đó ở Việt Nam cũng như thế giới chưa có tài liệu nào mô tả.
Nhóm nghiên cứu đã mời thêm tiến sĩ Heok Hee Ng - nhà ngư loại học Singapore, là tác giả của nhiều công trình về các loài cá trê mới của châu Á - tham gia.
Từ khi được công bố, cá trê chình Phú Quốc trong môi trường tự nhiên trên đảo Phú Quốc càng bị khai thác dữ dội. Người ta bắt cả con nhỏ để đưa tới các nhà hàng, bán lại cho thực khách với giá có lúc lên tới 200.000 - 300.000 đồng/kg. Năm thì mười họa dân sành ăn mới thấy mặt con cá chình suối cỡ cườm tay người lớn bắt được ngoài tự nhiên.
Đó là câu chuyện dài của những người làm khoa học. Còn trên thực tế, ít ai biết từ hơn 20 năm qua, cũng chính ông Tư Cưng, là một trong số ít người đầu tiên ở Phú Quốc âm thầm nuôi dưỡng thành công loài cá quý hiếm này.
Tận dụng nguồn nước ngọt sẵn có quanh năm từ con suối Cát gần nhà, ông Tư Cưng đã đào ao rộng hơn trăm thước vuông bên hông nhà, rồi mua gom con giống cỡ ngón tay do người dân khai thác trong tự nhiên về thả nuôi. Nhờ nguồn thức ăn là cá tạp do ngư dân đi biển bán lại với giá rẻ, ao cá chình suối của ông Tư Cưng rất mau lớn.
Sau nhiều năm nuôi cá trê chình Phú Quốc và gần đây là con rồng đất, cộng với trồng cây tiêu đặc sản Phú Quốc, vợ chồng ông Tư Cưng đã lo cho bốn người con học hành chu đáo.
Gánh lo cơm áo đã vơi, nhưng lúc nào trong vườn nhà ông Tư Cưng cũng sẵn có ao cá chình suối và chuồng nuôi rồng đất do tự tay ông bà chăm sóc, mà như ông nói "để cho du khách các nơi biết rằng, Phú Quốc cũng có những con vật độc đáo và giá trị".
"Kỳ tôm (rồng đất) vừa là vật nuôi làm kiểng, vừa là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Ngoài giá trị kinh tế, việc nhân nuôi kỳ tôm còn góp phần ngăn chặn nạn săn bắt mang tính lạm sát con vật ngoài tự nhiên, bảo tồn giống loài có nguy cơ tuyệt chủng", kỹ sư Trương Xuân Nhơn, chủ nhiệm đề tài nuôi thử nghiệm kỳ tôm tại huyện Phú Quốc, nói.