Chân dung Jerry Yang thời còn ở Yahoo
Sự thành công vang dội của Alibaba trên sân chơi quốc tế gần đây khiến người ta bắt đầu tò mò tìm hiểu về những "quý nhân" đã tham gia chắp cánh cho con rồng Trung Hoa trên chặng đường phát triển trước kia, trong đó có một nhân vật đặc biệt từng được nhắc tên trong nhiều bài phát biểu của Jack Ma và gắn liền với hình ảnh ông lớn một thời Yahoo. Người đó chính là tỷ phú 45 tuổi Jerry Yang, người vừa đánh dấu 20 năm làm việc tại thung lũng Silicon trong những ngày mùa thu vừa qua, cũng là một trong những nhà đồng sáng lập Yahoo.
Chàng trai gốc Á giỏi công nghệ và câu chuyện Yahoo
Jerrry Yang sinh ra ở Đài Bắc, Đài Loan, bố cậu qua đời do bạo bệnh khi Yang mới lên hai tuổi. Mẹ cậu đã nuôi lớn hai người con của mình bằng nghề giáo viên tiếng Anh và dịch phim truyền hình. Khi Đài Loan được hợp nhất vào Trung Quốc đại lục cuối những năm 1970, cả gia đình Yang chuyển tới San Jose, và cậu bé Yang đã đổi tên thành từ Chih-Yuan thành Jerry Yang.
Không tự tin với vốn tiếng anh của mình để giao tiếp với bạn bè, Yang vùi mình vào nghiên cứu toán và các môn tự nhiên trong suốt thuở thiếu thời, kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên dẫn ông đến với việc ghi danh vào một khóa học ngành kỹ thuật tại Đại học Stanford, nơi ông gắn bó và thân thiết với David Filo, người sau này cùng ông sáng lập ra Yahoo. Tháng Giêng năm 1994, họ cùng nhau lập nên một trang web mang tên "Cẩm nang của Jerry và David về World Wide Web"- một kho kiến thức tham khảo sơ khai về các đường dẫn Internet, vài tháng sau họ đổi tên trang web này thành Yahoo. Phần tiếp theo là câu chuyện cổ tích về một website nhỏ bé nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và vươn lên vị trí số hai chỉ sau Google về số lượng lượt truy cập.
Sự lớn mạnh của Yahoo có một phần đóng góp không nhỏ từ cơ duyên của hai chàng trai trẻ với một tỷ phú viễn thông của Nhật Bản là Masayoshi Son. Năm 1995, ông Masayoshi Son bất ngờ đến thăm Mountain View và đã có cuộc trao đổi sôi nổi với Yang và Filo. Sau câu chuyện, SoftBank của ngài Son đã quyết định đầu tư 2 triệu đô cho 5% cổ phần ở Yahoo, 105 triệu đô tiếp theo được rót cho Yahoo vào năm 1996 và khoảng 250 triệu đô nữa được ông Son đầu tư vào năm 1998, tương đương 37% cổ phần Yahoo. Thời gian sau, Yahoo và SoftBank còn hợp tác thành lập công ty liên doanh Yahoo Japan, cổng thông tin điện tử đầu tiên của Nhật Bản.
Cái bắt tay Yahoo - Alibaba
Giữa lúc Yahoo Nhật Bản đã bắt đầu đạt được con số hàng triệu người sử dụng, Yang đã có chuyến công tác đầu tiên tới Trung Quốc vào năm 1997. Một nhân viên trong Bộ kinh tế Trung Quốc được giao nhiệm vụ đưa Yang đi thăm Vạn lý Trường thành. Chàng trai đó chính là Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, người đã từng thử sức trong lĩnh vực Internet với phiên bản "Trang vàng Trung Hoa" (China Yellowpages)
Suốt chặng đường đi, cả hai bàn luận hăng say về sự phát triển của Web. "Anh ta (Jack Ma) rất tò mò về những gì xảy ra trên Internet và tương lai hứa hẹn của lĩnh vực này" - Yang kể. Vài tháng sau Ma bắt đầu một dự án khởi nghiệp khác với ý tưởng kết nối các công ty Trung Quốc với phần còn lại của thế giới mang tên Alibaba.
Mùa xuân năm 1999, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các công ty dot-com, Yahoo đã trở thành một trong những trang web phổ biến nhất thế giới, và ngài Masayoshi Son khi đó đã sở hữu khối tài sản gần như tương đương với Bill Gates. Còn Alibaba của Jack Ma vẫn là một dự án siêu nhỏ với khoảng trên dưới mười nhân viên cùng làm việc trong chính nhà riêng của Ma ở Hàng Châu. Nhưng với con mắt tinh tường, ngài Son đã tìm thấy Jack Ma.Nhà đầu tư lão luyện này nhớ lại rằng ông bị ấn tượng bởi "Ánh mắt của Ma" và "Mùi thú hoang của anh ta", những đặc điểm tương tự với Jerry Yang và David Filo thuở Yahoo còn sơ khai. Bản thân Jerry Yang cũng quyết định đầu tư vào Alibaba, mặc dù khi ấy Baidu đang là một cái tên Trung Quốc đình đám thu hút giới đầu tư với thương vụ IPO sắp diễn ra. Yang nói rằng ông bị thu hút bởi Jack Ma: "Một khi bạn gặp một doanh nhân như Jack Ma, bạn nghĩ ngay rằng sẽ đặt cược vào anh ta. Đó không phải là một quyết định quá phức tạp."
Thời điểm đó, một nửa giá trị của Alibaba xuất phát từ dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay và trang web thương mại điện tử Taobao-vốn đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi trang EachNet của eBay. Với 1 tỷ đô nhận được từ Yahoo và trước đó là 20 triệu đô nhận từ Masayoshi Son, Alibaba đã giảm tối đa biểu phí sử dụng, khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần lượt rời bỏ EachNet đến với một dịch vụ chất lượng tương đương mà mức giá rẻ hơn, nhanh nhẹn hơn: Taobao. Mùa xuân năm 2007 Taobao đã nắm giữ được 82% thị phần thương mại trực tuyến, vượt xa EachNet với chỉ 7%.
Nỗi chua xót mang tên Yahoo
Trong khi mọi thứ đang rất thuận lợi với Alibaba thì điều tương tự không xảy ra với Yahoo. Phải nói rằng chính tư duy yếu kém trong việc điều hành, chậm tiến và khác biệt trong công nghệ đã khiến Yahoo thua Google. Tháng 6/2007, Semel từ chức CEO, để lại cho người kế vị là Jerry Yang một Yahoo đang đứng ở dốc bên kia của giai đoạn hoàng kim. Tuy nhiên, trước khi Yang kịp làm điều gì đó cho Yahoo, thì công ty bị cuốn vào một sự việc khác: CEO của Microsoft khi đó là Steve Ballmer đã gọi điện cho Jerry đề nghị mua lại Yahoo, và Yang đã thẳng thừng từ chối. Giới đầu tư đồn đoán rằng Yang tiếc nuối đứa con tinh thần của mình nên đã ra một quyết định thiếu sáng suốt. Cổ phiếu của Yahoo không ngừng chao đảo, ban quản trị công ty này không còn tin tưởng những khoản đầu tư của Yang vào các công ty Trung Quốc, mà tiêu biểu là Alibaba. Kết quả là họ tìm mọi cách hất ông ra khỏi vị trí giám đốc tài chính.
Cùng lúc ấy Alibaba của Jack Ma đã lớn mạnh và ngỏ ý muốn mua lại cổ phần của mình từ tay Yahoo. Quá nôn nóng trong tình trạng tài chính kiệt quệ, ban lãnh đạo mới của Yahoo đã bán lại một nửa số cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương 7.1 tỷ USD trước thuế với mức giá là 13 USD/cổ phiếu. Chỉ hai năm sau thì giá trị mỗi cổ phiếu của Alibaba đã lên tới 94 USD.
Sau cuộc IPO thành công rực rỡ của Alibaba trong quý III năm 2014, người ta giật mình nhìn lại óc chiến lược của Jerry Yang. Yahoo hậu Jerry Yang thì dần bị vượt mặt bởi các đàn em Google, Facebook, Twitter… Còn người đàn ông gốc Á có gương mặt cương nghị này thì vẫn tiếp tục phiêu lưu với những thương vụ thâu tóm thành công khác.
Nhìn lại lịch sử của thung lũng Silicon, khó mà cân đo được đóng góp nào của ông có tầm vóc lớn hơn: việc đồng sáng lập ra Yahoo hay là quyết định đặt cược vào Alibaba và đầu tư 1 tỷ USD trên danh nghĩa Yahoo 9 năm trước kia. Ngày nay Jerry Yang cùng quỹ đầu tư của ông mang tên AME được giới đầu tư, kinh doanh trên thế giới đánh giá rất cao khi thực hiện thành công nhiều thương vụ đầu tư vào các công ty thương mại điện tử mới nổi, có sức cạnh tranh cao ở Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Jerry Yang được xem như là người có công đầu trong việc kết nối sức mạnh Đông - Tây ở Thung lũng Silicon.