Hơn 50% người Việt Nam lo sợ thất bại khi kinh doanh

Hơn 50% người Việt Nam lo sợ thất bại khi kinh doanh

(NDH) Mặc dù tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam lo sợ thất bại khi kinh doanh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực.

Sáng ngày 9/6, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức công bố báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014.

Theo báo cáo này, nhận thức về năng lực và cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 đã tăng cao hơn so với năm 2013 nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh. Trung bình các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tỷ lệ này là 54,6% và 64,7%.

Nhận thức về cơ hội khởi nghiệp năm 2014 của người Việt Nam (%)

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, doanh nhân ở Việt Nam ngày càng được xã hội coi trọng (75,9%) và trở thành doanh nhân là nghề nghiệp đáng mơ ước của 67,2% người trưởng thành.

Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại khi kinh doanh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao: từ 56,7% năm 2013 xuống còn 50,1%, so với mức 31,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.

Tỷ lệ lo sợ thất bại khi kinh doanh năm 2014 (%)

Thanh niên Việt Nam (18-34 tuổi) nhận thấy có khả năng kinh doanh kém hơn người trung niên (35-64 tuổi) vì tỷ lệ thanh niên lo sợ thất bại cao hơn (55% so với 45,3%), tuy nhiên họ lại là đối tượng có ý định khởi sự kinh doanh cao hơn (24,2% so với 10,7%). Tỷ lệ thanh niên khởi sự kinh doanh cũng cao hơn so với người trung niên (2,8% so với 1,2% ).

Cũng theo báo cáo Chỉ số khởi nghiệp của VCCI, tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 thấp, chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 12,4% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.

Có 18,2% người trưởng thành Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới. thấp hơn mức trung bình 40,2% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực.

Ý định khởi sự kinh doanh năm 2014 tại Việt Nam

Người Việt Nam khởi sự kinh doanh chủ yếu để tận dụng cơ hội (70,3%) hơn là vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn (29,7%). Tuy nhiên, người Việt Nam khởi sự chủ yếu để tăng thu nhập (41,5%) hơn là trở nên độc lập (11,8%).

Các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu hướng đến người tiêu dùng (89%). Tỷ lệ các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các nước phát triển ở giai đoạn II (5,5% và 5,1% so với 23,5% và 11,7%).