Và dưới đây là câu chuyện của anh.
Có rất nhiều nhà lãnh đạo khiến tôi ngưỡng mộ, nhưng người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi nhất chính là Jezz Bezos, nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon.com. Bezos từng rời bỏ công việc trong ngành tài chính, sau đó phát hiện ra một "mỏ vàng" chưa ai khai thác trong lĩnh vực bán sách trực tuyến, để rồi trở thành một doanh nhân làm thay đổi toàn bộ lịch sử ngành thương mại điện tử.
Chỉ sau một năm với sự giúp đỡ làm beta test của 300 người bạn, Bezos đã cho ra đời Amazon.com, vượt xa mọi đối thủ và đưa Amazon lên đỉnh cao.
Khi Amazon trở thành cái tên quen thuộc với mọi nhà thì tôi mới 16 tuổi. Ngồi trong lớp, tôi thường mơ mộng về một Amazon của riêng tôi. Nếu Bezos có khả năng lập nên một công ty tỉ đô từ con số 0 thì tại sao tôi lại không thể? Tuy sẽ mất nhiều thời gian, công sức và nỗ lực nhưng trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại như Bezos là một hành trình đáng giá.
Bài học đầu tiên: Vượt lên tiếng cười nhạo
Thực ra tôi chẳng phải một nhà lãnh đạo bẩm sinh do đó tôi phải tự học tất cả, làm sao để bình tĩnh trước mọi áp lực, làm sao để truyền cảm hứng cho người khác. Tôi đã tận dụng mọi cơ hội để rèn giũa kỹ năng lãnh đạo, từ làm trưởng nhóm bài tập cho tới lãnh đạo các câu lạc bộ trong trường.
Vai trò lớn nhất tôi đảm nhiệm cuối năm trung học là lớp trưởng của 850 học sinh. Nhưng tôi gặp phải vấn đề duy nhất: Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, vậy thì còn lãnh đạo ai được đây?
Tôi sinh ra và lớn lên tại Đài Bắc, Đài Loan, 14 tuổi sang Mỹ học trung học, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết. Trong suốt 2 năm liền, tôi đã phải cố gắng rất nhiều trong việc học tiếng. Nói năng trước đám đông là cả một thử thách lớn.
Tôi đã dành hàng giờ để tập phát âm, luyện nói bài phát biểu để có thể bước lên sân khấu một cách tự tin. Mọi người vẫn hay chế nhạo giọng nói của tôi và cười mỗi khi tôi nhìn vào giấy nhớ, nhưng tôi không vì thế mà xuống tinh thần mà càng khao khát trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Kiên trì và quyết tâm, đó là những phẩm chất lãnh đạo vô giá tôi học được ngay từ những ngày đầu tiên.
Bài học thứ hai: 'Rủi ro càng cao, phần thưởng càng lớn'
Ban đầu tôi chỉ ngưỡng mộ Bezos đơn thuần vì những thành tựu ông có, về sau lại càng kính nể hơn vì ông là người chấp nhận rủi ro. Hồi ấy, tôi được Đại học California cấp học bổng toàn phần.
Tôi từng làm tư vấn trong Clear Channel Communications, công việc là làm báo cáo về những thành tựu kỹ thuật số mới trực tiếp cho giám đốc tài chính. Nhưng sau đó tôi quyết định đứng ra làm start-up cùng với vài người bạn.
Rời bỏ một công việc ổn định, nhẹ nhàng vì một thứ chưa rõ sẽ đi về đâu là một điều thật điên rồ! Nhưng khi ấy tôi lại càng nhớ đến Bezos, quan điểm của ông là rủi ro càng cao, phần thưởng càng lớn. Niềm tin ấy là một phần quan trọng làm nên bản lĩnh lãnh đạo vì tôi buộc phải tin vào bản năng và hoàn toàn cam kết gắn bó với ý định của mình.
Bezos từng trả lời phỏng vấn nhà báo Hanson Hosein năm ngoái rằng: "Nếu bạn có ý tưởng mà không chịu bỏ công sức suy nghĩ cho lâu dài thì bạn sẽ chẳng thể phát minh, sáng tạo ra cái gì. Nếu muốn phát minh, sáng tạo thì bạn phải thử nghiệm. Mà đã thử nghiệm thì sẽ có lúc thất bại. Mà đã dám chấp nhận thất bại thì phải suy tính cho lâu dài".
Bezos thừa nhận sự cần thiết của thất bại, nhìn vượt xa khỏi những vật cản trên đường để hướng thẳng về mục tiêu phía trước. Tôi luôn ghi nhớ điều này nhất là khi bước chân vào vị trí lãnh đạo khó khăn nhất tính tới hiện tại. Là CEO của công ty do chính mình thành lập, Retention Science (sở trường làm retention marketing (marketing duy trì)), tôi buộc phải suy tính cho lâu dài, phải khích lệ và dẫn dắt 23 thành viên của công ty (tính cả tôi) cho dù có bao nhiêu trở ngại đi chăng nữa.
Bài học thứ ba: Hành động thì nhân viên mới nghe
Không chỉ vượt qua trở ngại mà lan truyền cảm hứng cho người khác cũng là điều nhà lãnh đạo phải làm. Đó là biết chấp nhận khả năng xảy ra thất bại nhưng vẫn liên tục hướng tới thành công, là học hỏi sai lầm từ thất bại và khích lệ những người đi theo mình, là nỗ lực xây dựng văn hóa và tầm nhìn để tất cả nhân viên cùng đặt niềm tin vào đó.
Tôi luôn làm gương cho nhân viên bằng hành động chứ không phải lời nói, đó cũng là lý do tôi được mọi người tôn trọng và tin tưởng.
Tôi mới 16 tuổi, chưa hoàn toàn nhìn rõ những gì cần làm để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả nhưng vẫn đang không ngừng học hỏi. Và Bezos đã mang lại cho tôi mấy kinh nghiệm sau:
1. Luôn khiêm tốn. Giá trị của nhà lãnh đạo thể hiện ở kết quả của toàn bộ tập thể điều hành bởi anh ta. Sử dụng quyền lực chỉ khiến người ta xa rời anh, hãy khiến người ta muốn đi theo mình.
2. Định hình tổng thể. Là lãnh đạo, đừng bị sa lầy vào tiểu tiết. Hãy để nhân viên làm điều đó, còn bạn hãy chỉ đạo hướng đi cho họ.
3. Tin tưởng đội ngũ. Hãy thể hiện rằng bạn tin tưởng khả năng của họ, điều ấy sẽ mang lại rất nhiều động lực.
4. Không bao giờ đứng yên. Trách nhiệm của lãnh đạo là dẫn dắt tổ chức đi lên. Hãy luôn luôn phấn đấu để cải thiện và đột phá.