Gọi vốn đầu tư công nghệ: đường tới đỉnh gian nan 

Hơn năm năm qua, nhiều tech-startup (thuật ngữ chỉ các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ) như NCT, VNG, Vatgia, Chodientu, Kiemviec.com (nay là careerbuilder.vn)... đã kêu gọi được sự đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm và gặt hái thành công.

Nhưng tình hình sẽ không còn dễ dàng như thế trong vòng ít nhất hai năm tới.

Các quỹ đang kín tiếng

Anh S., người sáng lập trang web kinh doanh các mặt hàng giảm giá, cho biết sau hơn một năm chuẩn bị hạ tầng, sản phẩm, hiện công ty đang tìm nguồn vốn 1 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn tiếp theo. Anh H., người sáng lập một dự án nhắn tin miễn phí OTT (Over The Top) cũng vừa hoàn thành sản phẩm, chuẩn bị kêu gọi đầu tư để đẩy mạnh tiếp thị.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, chưa tính tới yếu tố hiệu quả của các dự án, lúc này, gọi vốn từ các quỹ mạo hiểm là không đúng thời điểm. Theo vị này, chu kỳ hoạt động của các quỹ (đầu tư - thoái vốn) thường trong khoảng thời gian 3-5 năm. Theo chu kỳ đó, xu hướng hiện nay của các quỹ ở Việt Nam là thoái vốn, bởi hơn ba năm qua, các quỹ đã có trong tay các công ty tiềm năng. Như vậy, so với trước kia, lúc này, dự án của anh S. khó kêu gọi đầu tư hơn. Dự án cần nhiều nguồn vốn để tiếp thị như dự án của anh H. lại càng khó hơn nữa.

Cũng theo chuyên gia này, các tech-startup cần hiểu rõ về vòng gọi vốn trước khi kêu gọi đầu tư. Theo đó, các giai đoạn gọi vốn cơ bản ở thị trường Việt Nam gồm preseedfunding (bắt đầu với ý tưởng), seedfunding (hình thành và xây dựng sản phẩm), series A, B, C (các giai đoạn phát triển tăng tốc tiếp theo). Mức gọi vốn ở hai giai đoạn đầu vào khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đô la Mỹ, số tiền sẽ lớn dần vào các giai đoạn sau.

Trong khi đó, phần lớn các nhóm khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam còn trong giai đoạn quy tụ đội ngũ, hình thành ý tưởng hoặc bắt đầu xây dựng từ ý tưởng cơ bản. "Ở giai đoạn này, khi họ còn chưa thuyết phục được các quỹ đầu tư trong nước như IDG, CyberAgent... thì càng khó tiếp cận các quỹ chuyên tham gia vào giai đoạn của các series như DMP hay MHV", vị này nói.

Gọi vốn từ cộng đồng cũng không dễ

Có một hình thức kêu gọi vốn đầu tư đã khá phổ biến là gọi vốn từ cộng đồng thông qua các trang web gọi vốn (crowdfunding) nổi tiếng trên thế giới như Kickstarter hay Indiegogo. Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp gọi vốn thành công qua hình thức này như Misfit Wearables (doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ kiện y tế sức khỏe kết hợp với công nghệ di động) hay InAir (thiết bị chuyển đổi nội dung trên ti vi sang định dạng 3D) của công ty SeeSpace.

Tuy nhiên, lợi thế gọi vốn thành công của hai doanh nghiệp này gắn liền với bề dày kinh nghiệm của người lãnh đạo ở thị trường quốc tế. Sonny Vũ, Giám đốc Misfit Wearables từng là Giám đốc AgaMatrix - công ty có trụ sở ở Mỹ chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị đo tiểu đường từ năm 2001. Còn Đỗ Hoài Nam, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập SeeSpace, đã từng điều hành Emotiv Systems từ năm 2004-2012, một công ty nghiên cứu về não bộ với vốn đầu tư 45 triệu đô la Mỹ có trụ sở ở Mỹ.

Nhiều tech-startup ở Việt Nam hiện nay có nhà sáng lập với tuổi đời khá trẻ và do vậy, cơ hội gọi vốn từ kênh này cũng khá mong manh. Một hạn chế khác là người gọi vốn phải có quốc tịch Mỹ hoặc các quốc gia nằm trong phạm vi hoạt động của các trang gọi vốn nước ngoài.

Ở Việt Nam trước đây cũng có trang web gọi vốn cộng đồng là ig9.vn nhưng đã đóng cửa cách đây không lâu.

Cơ hội từ các nhà đầu tư cá nhân

Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm hay các trang web gọi vốn cộng đồng, vẫn còn một kênh đầu tư khác cho các tech-startup, đó là các nhà đầu tư cá nhân (thuật ngữ trong ngành hay gọi là angel investor). Các nhà đầu tư cá nhân thường là những quản lý cấp cao của các công ty công nghệ hoặc công ty theo mô hình kinh doanh truyền thống.

Thông thường, các nhà đầu tư cá nhân sẽ không rót nhiều vốn mà sẽ cơ cấu lại các doanh nghiệp, định hướng lại sản phẩm. Họ cũng có khuynh hướng không làm truyền thông rầm rộ trong những năm đầu. Do vậy, hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân là khá kín tiếng trong thời gian qua. Tuy nhiên, những đóng góp của họ thì không thể phủ nhận.

Giaohangnhanh.vn, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần trong thương mại điện tử của ông Đinh Anh Huân là một ví dụ. Từ 60 nhân viên, sau ba năm, hiện doanh nghiệp này đang có 300 nhân viên, mở rộng ra 63 tỉnh, thành với khoảng 4.000 đơn hàng mỗi ngày. Ngoài giaohangnhanh.vn, ông Huân còn đầu tư vào Spiral - công ty phát triển dự án mạng xã hội cho doanh nghiệp teamcrop.vn. Hiện teamcrop.vn có hơn 1.000 người sử dụng miễn phí từ 500 công ty trong nước.

Ngoài giaohanhnhanh.vn, các dự án đang phát triển khá tốt từ sự giúp sức của các nhà đầu tư cá nhân như Infory, JOY Entertainment...

Theo một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tiềm năng của ngành công nghệ ở Việt Nam là điều mà giới đầu tư luôn thừa nhận. Mặc dù quy mô nhỏ nhưng là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, các tech-startup cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình bằng cách trở thành một phần không thể thiếu trong cơ cấu ngành mà họ đang hoạt động thay vì bó mình trong giới công nghệ như hiện nay.

"Để làm được điều này, các nhóm khởi nghiệp cần sự hợp tác nhiều hơn với các nhà đầu tư cá nhân. Với kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp, họ sẽ biết được doanh nghiệp cần gì, từ đó định hướng sản phẩm, chiến lược bán hàng một cách hiệu quả. Nhiều tech-startup có chất lượng sẽ thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực này", vị này nói.