Theo hãng tin Financial Times, sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng Internet đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử trong khu vực. Tại Indonesia, số người dùng Internet đã tăng 150% trong 10 năm qua lên 90 triệu người và chính phủ đặt mục tiêu 150 triệu người vào năm 2019.
Rất nhiều công ty quốc tế đã bị thu hút bởi tiềm năng thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Tập đoàn Softbank của Nhật Bản đã thực hiện hàng loạt những vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành thương mại điện tử tại Châu Á, điển hình là vụ mua lại ứng dụng GrabTaxi trong khu vực với giá 250 triệu USD. Tại Indonesia, Softbank cũng đầu tư 100 triệu USD vào chợ trực tuyến Tokopedia và hãng bán lẻ thiết bị di động Trikomsel.
Những công ty lớn mảng truyền thông và Internet tại Singapore như Singapore Press Holdings và MediaCorp cũng đã có những thỏa thuận hợp tác phát triển kinh doanh. Ngoài ra, quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings của nước này cho biết sẽ hợp tác với ngân hàng United Overseas để thành lập một liên doanh với vốn vay 500 triệu USD, tập trung phát triển thương mại điện tử, công nghệ mới và dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong khu vực.
Hãng tin Financial Times cho biết mảng kinh doanh trực tuyến hiện chỉ chiếm 1-2% tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và hiện có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển và bùng nổ tương tự như tại Trung Quốc. Cách đây 5 năm, thương mại điện tử chỉ chiếm 2,5% thị phần bán lẻ tại Trung Quốc nhưng hiện đã tăng lên 11%.
Mặc dù vậy, ngành kinh doanh trực tuyến tại Đông Nam Á vẫn còn có nhiều trở ngại, như chi phí lưu kho, vận chuyển cao hay giới hạn trong phương thức thanh toán. Tại Indonesia, hơn 95% các giao dịch thương mại điện tử thanh toán bằng tiền mặt và hơn 90% số người truy cập vào các website bán hàng điện tử nhưng không mua sản phẩm.
Bất chấp những khó khăn trên, các hãng bán lẻ trực tuyến như Lazada và Zalora, thuộc sở hữu của tập đoàn Đức Rocket Internet, đã tạo dựng được doanh số bán hàng khả quan trong khu vực. Hai công ty này đã giải quyết khó khăn hậu cần bằng cách đầu tư mạnh cho khâu lưu kho và chuỗi cung ứng của mình.
Công ty thương mại điện tử lớn Alibaba của Trung Quốc cũng đang bị thu hút vào thị trường Đông Nam Á khi xây dựng trang dịch vụ trực tuyến quốc tế AliExpress tại khu vực này. Gần đây, Alibaba đã mua lại 14,5% cổ phần của Singapore Post, một công ty với kế hoạch đầu tư 145 triệu USD cho mảng hậu cần thương mại điện tử. Theo Financial Times, đối thủ chính của Alibaba sẽ là NTT Docomo, một doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore nhưng được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư Nhật Bản.
Bên cạnh đó, hàng loạt những hệ thống thanh toán trực tuyến tại Đông Nam Á đang được thành lập như 2C2p hay Coda Payments.
Financial Times nhận định với tình hình thương mại điện tử tại Đông Nam Á mở rộng như hiện nay, việc M&A của các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Rất nhiều công ty kinh doanh trực tuyến tập trung quá nhiều vào gia tăng doanh số dựa trên khoản lợi nhuận khả quan của thị trường. Đến lúc tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp với tốc độ phát triển của công ty, việc bán bớt cổ phần hay bị mua lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.