Dung Tấn Trung và bài học 20 triệu USD vs 200 triệu USD

(NDH) Câu chuyện về sự khác biệt giữa 20 triệu USD và 200 triệu USD của ông Dung Tấn Trung-Tổng giám đốc Mobivi sẽ cho bạn biết tại sao trong nhiều trường hợp, người sáng lập không nên đảm nhận vị trí CEO.

Ông Dung Tấn Trung-Tổng giám đốc Mobivi

Với bất kỳ người sáng lập nào, công ty chính là đứa con tinh thần mà họ dành rất nhiều tâm huyết, tiền bạc và công sức để xây dựng nên. Vì vậy, chấp nhận để người khác thay mình đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành là điều không hề dễ dàng với nhiều người. Tuy nhiên, khi một nhà sáng lập không đủ năng lực nhất quyết giữ vai trò CEO, công ty có thể thất bại hoặc không đạt được thành công đúng với khả năng của nó.

Trong hội thảo "Xây dựng doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế" diễn ra vào chiều ngày 2/4, ông Dung Tấn Trung-Tổng giám đốc Mobivi đã chia sẻ một câu chuyện liên quan đến vấn đề này.

Ông Trung cho biết mình có một người bạn người Việt rất giỏi và làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Năm 2000, người này thành lập công ty DICentral với ý tưởng khá độc đáo và đảm nhận vị trí CEO. Ông Trung là một trong những nhà đầu tư và thành viên Hội đồng quản trị của công ty.

Qua nhiều thăng trầm, hiện nay DICentral vẫn đang hoạt động khá ổn định. Doanh thu hàng năm của nó vào khoảng hơn 20 triệu USD. Thế nhưng, đây lại là cái mốc doanh thu cao nhất mà công ty đạt được. "Cứ đến ngưỡng đó là không vấn đề này thì vấn đề khác xảy ra. Suốt ngày phải đi chữa cháy nên không có thời gian để đi xa hơn được.", ông Trung chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều công ty thành lập sau nhưng đã vượt qua DICentral, với doanh số hàng năm lên đến 100 triệu USD, thậm chí là 200 triệu USD mặc dù công nghệ có thể không bằng công ty này.

Theo Tổng giám đốc Mobivi, mặc dù người bạn của ông là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng và rất giỏi về kỹ thuật nhưng lại không có công thức phát triển kinh doanh tốt. Ông ấy là người có tính cách khá mạnh nên không nhận ra được điểm yếu và luôn thấy mình đúng. Vị CEO này cũng không có khả năng thu hút được đội ngũ nhân sự giỏi về làm việc cho mình. Vì vậy, trong khi tiềm năng thị trường là 200 triệu USD thì doanh thu của DICentral chỉ dừng ở con số hơn 20 triệu USD.

Dung Tấn Trung cho rằng một trong những giải pháp để giúp công ty đi lên là người này chỉ phụ trách về kỹ thuật và tìm người khác thay thế vị trí CEO. Nhưng giải pháp đó không được người bạn của ông chấp nhận.

Ông Trung nhấn mạnh đây là một bài toán khó với nhiều người thành lập công ty. Bởi nếu một người sáng lập không đủ năng lực nhưng vẫn nhất quyết làm CEO, anh ta "đang tự hại chính đứa con mà mình sinh ra và kìm hãm sự tăng trưởng của nó". Theo ông Trung bài toán này chỉ được giải quyết khi người sáng lập vượt qua cái tôi cá nhân của mình. "Khi ai đó làm CEO, nếu có mâu thuẫn giữa anh này và CEO đó thì quyết định đi về đâu? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra: hoặc là vị CEO đó nghỉ thì anh ta sẽ mất một nhân tài. Hai là anh này sẽ phải giới hạn sự ảnh hưởng của mình đối với công ty do chính mình thành lập. Đây là một bài toán khó. Câu hỏi sẽ quay ngược lại là cá nhân người đó có chấp nhận được sự thay đổi này hay không?", ông Trung nói.

Ông Trung tin rằng nếu người bạn của ông dám chấp nhận sự thay đổi thì thành công có thể lớn hơn, chứ không dừng ở doanh thu 20 triệu USD/năm.

Chính ông Dung Tấn Trung khi thành lập công ty On Display cũng chỉ giữ chức vụ Giám đốc công nghệ, còn vị trí CEO do người khác đảm nhận.

Xem thêm:Doanh nhân gốc Việt và câu chuyện lập công ty tỷ đô, đạt kỷ lục IPO tại Mỹ