Việt Nam đang đứng trước cơ hội hội nhập rất lớn khi Cộng đồng kinh tế Asean - AEC có hiệu lực cuối năm nay cũng như Hiệp định TPP sắp được thông qua.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội còn là rất nhiều những thách thức. Trong chương trình Diễn đàn doanh nhân-Leader talk 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 18/4, các diễn giả và khách mời đã cũng nhau thảo luận về những điều doanh nhân Việt cần làm để có thể đón nhận cơ hội hội nhập trong tương lai.
Doanh nhân Việt cần phải học
Theo bà Vũ My Lan, Chủ tịch công ty TNHH Giáo dục và đào tạo VinAcademy, thuộc tập đoàn Vingroup "chúng ta khá chủ quan và vô tư với việc hội nhập này, thấy cơ hội nhiều nhưng chưa thấy được điều gì khiến chúng ta thua trên sân nhà."
Bà My Lan cho rằng để chuẩn bị cho hội nhập điều đầu tiên các doanh nhân phải làm là học về lãnh đạo. Có như vậy, họ mới có đủ năng lực để cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn với nhiều nhà lãnh đạo tầm quốc tế và khu vực.
Bà Vũ My Lan: "Doanh nhân cần phải học lãnh đạo"
Bên cạnh đó, chúng ta phải có tư duy thay vì cạnh tranh độc lập đứng một mình thì hợp tác cùng phát triển. Bà My Lan lấy ví dụ về trường hợp của một công ty logistic luôn đi cùng Nokia đến các thị trường trên thế giới."Ở Việt Nam nếu ai đó thành công thì những người khác đều bắt chước theo đúng ngành đó. Nhưng sao chúng ta không nghĩ đến những ngành phụ trợ để cùng đẩy nhau lên. Thế giới vẫn làm như vậy.", bà Lan nói.
Yếu tố thứ 3 mà bà My Lan cho rằng các doanh nhân Việt không thể thiếu khi hội nhập đó là khả năng Tiếng Anh. Để nói về tầm quan trọng của ngôn ngữ này, Chủ tịch VinAcademy nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu "Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn."
Nên bỏ trứng vào một hay nhiều giỏ?
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái
Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên đầu tư vào tay phải hay thế mạnh của mình, không nên đầu tư vào tay trái và dàn trải như trước đây. Ông cũng nhấn mạnh thế mạnh này còn tùy thuộc vào từng cá nhân và doanh nghiệp cụ thể.
Về phương pháp đầu tư, theo ông Đoàn "đối với doanh nghiệp Việt Nam chúng ta phải thừa nhận đều là các doanh nghiệp nhỏ, nhỏ về vốn, nhỏ về kinh nghiệm, nhỏ cả về kiến thức, nhỏ cả về phong cách... Vì vậy chúng ta nên nghĩ đến việc đầu tư theo cách 'bỏ hết trứng vào một giỏ'. Chỉ có điều cái giỏ đó là cái giỏ nào thôi."
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, với tầm nhìn dài hạn giá trị của doanh nghiệp là điều quan trọng nhất trong suốt quá trình đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp cần xác định được sau 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền.
Điều thứ 4 ông Đoàn nhắc đến là khi hội nhập chúng ta cần dựa vào một số nguồn lực. "Đó có thể là các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc các tập đoàn, công ty nước ngoài lớn cùng ngành nghề để họ có thể dẫn dắt chúng ta."
Điều cuối cùng ông Đoàn nhấn mạnh là để đầu tư cho tương lai thì không nên bỏ qua vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. "Tương lai của chúng ta là các nguồn nhân lực. Tương lai của chúng ta là con cháu của chúng ta. Do đó việc đầu tư thế nào để có nguồn nhân lực hôm nay tốt và vài năm nữa vẫn tốt, con cháu được đào tạo bài bàn để có thể kế tục sự nghiệp và phát triển mạnh hơn nữa là điều rất cần thiết.", ông Đoàn nói.