TS. Võ Trí Thành.
Start-up: Không khó về ý tưởng, nhưng khó sống sót
"Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn về thể chế. Cái đúng, cái sai đang lẫn lộn. Các bạn phải máu lửa, nhưng phải biết cách chậm lại, phải dám "chơi" nhưng phải biết nhẫn nhịn. Thế giới nhiều bất định, các bạn phải biết quản trị sự bất định. Thế hệ chúng tôi thua xa các bạn, chỉ hơn ở sự lãng mạn, rất lạng mạn. Các bạn hãy kết hợp hài hoà sự lãng mạn và thực tế", TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Trung ương - chia sẻ tại Ngày hội kết nối tình bạn quốc tế với chủ đề "Tư duy khởi nghiệp từ góc nhìn vĩ mô" tổ chức chiều 29/11.
Thuyết phục các du học sinh về nước lập nghiệp sau khi tốt nghiệp, ông Thành cho biết chia sẻ lý do ông trở về nước sau khi tốt nghiệp tại Úc. Bên cạnh nỗi nhớ quê nhà, ở tầm vĩ mô hơn, Việt Nam tuy còn là một nước nghèo nhưng có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.
"Nếu tôi quay lại Úc học lại thì sau 5 năm tôi thấy họ vẫn thế - một nền kinh tế trưởng thành, ít thay đổi, tăng trưởng 2%/năm. Về Việt Nam, vùng tôi ở mỗi ngày đều có thay đổi. Việt Nam có cái gì đó thú vị, có cái gì đấy để thay đổi và thay đổi một cách có ý nghĩa", Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Trung ương lập luận.
Về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica, Cựu du học sinh Hungary và Mỹ - chia sẻ: Ông từng hỏi các nhà đầu tư am hiểu về Đông Nam Á, đã sang Indonesia và Philippines về môi trường đầu tư. Họ nói ở Đông Nam Á, khởi nghiệp không khó ở ý tưởng, mà khó ở việc sống sót.
"Bản thân tôi đã "chết" 3-4 lần khi đầu tư thẻ ngân hàng, thầu kỹ thuật số, truyền thông... Cách start-up của chúng tôi là "chết" một cái thì quên luôn và làm cái mới", ông Tuấn nói.
Niềm tin đặt vào người trẻ
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chia sẻ: "Hội nhập mang lại cơ hội vô cùng rộng lớn cho Việt nam và đi cùng với nó là thách thức - đó là điều tất yếu. Liệu trước thách thức lớn đó, chúng ta có vượt qua được hay không. Tôi có một niềm tin lớn là chúng ta vượt qua được, niềm tin này đặt vào người trẻ".
Bà Lan phân tích, nếu nói về tuổi lao động bình quân, ở Việt Nam mới có 27 tuổi trong khi Trung Quốc có tuổi lao động trung bình 35 tuổi. Người Việt có ưu điểm là sự năng động, tính chịu thương chịu khó, chấp nhận khó khăn, nhưng bà cũng đồng tình với ý kiến của TS Võ Trí Thành, là nhiều khi chúng ta cần chậm lại, biết kiềm chế một chút...
"Người Việt Nam có khát vọng rất lớn để vượt lên trong thời gian tới. Anh Thành (TS Võ Trí Thành -PV) và tôi được giao xây dựng báo cáo tầm nhìn của Việt Nam tới 2035. Nghĩ lại thì thấy tại sao không? 20 năm nữa Việt Nam có thể khác hẳn bây giờ... có thể trở thành một nước có thu nhập trung bình. Hy vọng chúng ta không phải chờ đến năm 2048 mới là nước có thu nhập trung bình như OECD dự báo", bà Lan nói.
"Cái đó phải đặt trước hết vào đông đảo giới trẻ Việt Nam hiện nay. Cái cháy bỏng ở các bạn tôi thấy ai cũng có".
TS Võ Trí Thành cũng khuyên các bạn trẻ, đặc biệt các bạn du học sinh mới về nước 3 điều cơ bản để có thể thành công.
Một là , muốn làm gì cũng phải học bản chất của sự vật.
Hai là , dám sống với đất nước này, với thể chế này, với tất cả những điều tốt lành, chưa tốt lành, thậm chí là tồi tệ.
Ba là , sống trong đất nước này nhưng chúng ta vẫn là chúng ta.
"Cá nhân nếu học 3 điều ấy, không hôm nay thì ngày mai, cơ hội sẽ đến với các bạn", TS Võ Trí Thành khuyên nhủ.