Gia đình Ly có một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại một ngôi làng ở miền Nam Việt Nam. Năm 17 tuổi, anh cả của ông xin vào làm trong một nhà máy may ở Sài Gòn, còn người anh thứ hai làm trong một hiệu bánh ở Bạc Liêu. Ly cũng bỏ học từ năm lớp 6 để phụ giúp gia đình.
Năm 1979, cả gia đình ông chuyển tới Fairfield, California (Mỹ) với hai bàn tay trắng. Các anh trai của ông làm việc tại nhà hàng và giao báo, trong khi vợ của họ làm thợ may. Ly cũng làm việc vào ban đêm, học tiếng Anh ban ngày và theo học bằng kế toán tại Đại học San Francisco State. Trong một thời gian dài, cả nhà 7 người phải sống trong một căn hộ một phòng ngủ tại Tenderloin. Họ luôn tiết kiệm và chẳng dám tiêu xài như những người bình thường.
Năm 1984, một người bạn của Ly cho ông biết về một quán cà phê nhỏ đang rao bán. Vì thế, cả nhà Ly gom hết tiền tiết kiệm để mua với giá 40.000 USD. Nó có tên Sugar Bowl Bakery và gia đình ông quyết định giữ nguyên tên đó. Người bán đã dạy họ cách làm một số loại bánh đơn giản, như bánh rán hay bánh tai voi. Sau đó, họ bắt đầu bán bánh cho các quán cà phê và chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Elevens xung quanh. Doanh thu bắt đầu tăng lên và cửa hàng nhanh chóng tiết kiệm được cả trăm nghìn USD.
Andrew Ly trong nhà máy sản xuất bánh của gia đình. Ảnh: Fortune |
Năm 1986, một số thành viên trong gia đình muốn phát triển việc làm ăn. Trong khi đó, người khác lại muốn tăng tiền tích cóp bằng cách đầu tư vào bất động sản. Ly đã thuyết phục các anh trai rằng họ có thể vừa có bất động sản, vừa mở rộng kinh doanh. Vì thế, họ tìm mua một tòa nhà. Khi chọn được một địa điểm tại Daly City, họ đã đề nghị chính người bán cho vay tiền. Gia đình Ly trả trước 60.000 USD và trả dần hơn 2.200 USD mỗi tháng trong 10 năm.
Sau đó, đều đặn hàng ngày, Ly và một người lái xe thay phiên nhau giao bánh. Họ nhận tiền hàng vào những ngày cuối tuần. Năm 1989, Ly mua tòa nhà thứ 3 với 360.000 USD, lần này dùng vốn vay ngân hàng. Mục tiêu của Ly là mỗi anh em quản lý một cửa hàng.
Ly muốn mở rộng mạng lưới và tìm cách thu hút khách hàng. Vì thế, ông bắt đầu tham gia nhiều sự kiện ẩm thực. Năm 1992, Ly phát hiện ra các khách sạn thường mua bánh bên ngoài để tiết kiệm chi phí. Vì thế, họ bắt đầu bán loại bánh Parc 55 với giá 22 cent, và bắt đầu mở dịch vụ thực phẩm mới với khoản vay 500.000 USD từ Cơ quan quản lý Doanh nghiệp nhỏ Mỹ.
Tuy nhiên, họ không được đào tạo căn bản để làm bánh. Ly từng đưa một chiếc bánh kiểu Trung Quốc cho một đầu bếp. Người này đã cười ông và nói không thể bán loại bánh này cho các khách hàng đã quen ăn bánh ngọt Pháp. Vì thế, Ly cử một người cháu trai tới Học viện Ẩm thực Mỹ ở Thung lũng Napa để học làm thợ bánh. Trước khi người cháu tốt nghiệp, Ly và một người anh trai tiếp tục tìm cách cải thiện loại bánh sừng bò hiện tại bằng cách nghiên cứu sản phẩm của các đối thủ.
Họ cố tìm ra công thức đã được sử dụng, nhưng thất bại. Rất may là sau đó, họ thuê được một trong những người thợ làm bánh của các cửa hàng trên.
Sau đó, họ lập Tập đoàn Ly Brothers, Ly làm CEO. Ông là người duy nhất có thể nói tốt tiếng Anh và có suy nghĩ độc đáo. Vì thế, ông được cả gia đình tin tưởng lãnh đạo công ty.
Sau khi thành công trong việc bán hàng cho các khách sạn, bệnh viện và doanh nghiệp công nghệ trong thị trấn, họ bắt đầu hướng tới các hãng bán lẻ lớn. Năm 2000, họ thuê một người môi giới, giới thiệu mình cho Costco. Phải mất 2 năm, họ mới tìm ra sản phẩm có thể bán ổn định tại đây - bánh tai voi.
Đó cũng là lúc Ly quyết định tập trung vào các hãng bán lẻ số lượng lớn như Safeway, Kroger và Wal-Mart. Khi đã có 7 điểm bán lẻ, họ bắt đầu gặp khó trong việc quản lý các mô hình kinh doanh khác nhau. Vì thế, sau khủng hoảng tài chính 2008, họ bán bớt các mảng kinh doanh, giảm gần hết số dòng sản phẩm để hạ chi phí và tăng biên lợi nhuận. Ngày nay, công ty ông đã có doanh thu 100 triệu USD mỗi năm.
Ly tiết lộ khi khách hàng không muốn thử sản phẩm mới, ông đặt mẫu thử và giấy nhắn vào hộp giao hàng. Ly cho rằng nếu không kiên trì, ông sẽ bị các đối thủ lấn át. Bên cạnh đó, để khuyến khích nhân viên, ông cũng thưởng điểm cho các ý tưởng tốt. Nếu tích đủ điểm, họ có thể đổi lấy rất nhiều phần quà, như bữa trưa hay iPad.
Năm 2013, trong một bài phát biểu tại San Francisco, Tổng thống Mỹ - Barrack Obama còn lấy ví dụ về công ty của Ly khi nói tới những người nhập cư. Khi tới đây, Ly chẳng có tiền bạc và cũng không biết tiếng Anh. Nhưng ông tự hào khi đã dẫn dắt cả gia đình tới địa vị mà ngày xưa họ chẳng dám mơ tới. Vì thế, khi dạy những người trẻ, ông thường khuyên họ đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy làm việc chăm chỉ, có lương tâm và kỷ luật. Đó là công thức để thành công.