'Cứ khởi nghiệp đi rồi sẽ thành công', bạn có đang ảo tưởng?

'Cứ khởi nghiệp đi rồi sẽ thành công', bạn có đang ảo tưởng?

(NDH) Nguyễn Xuân Đài, chàng trai từng đạt giải nhất 2 cuộc thi về khởi nghiệp và thất bại trên chính dự án đó là người hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Ảo tưởng về khởi nghiệp

Nếu là người quan tâm đến khởi nghiệp, chắc chắn không ít lần bạn đọc hay xem ở đâu đó câu chuyện về những người từ hai bàn tay trắng đã xây dựng thành công những công ty có giá trị hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đôla.

Bạn cũng thường xuyên được nghe những câu nói động viên như 'Khởi nghiệp: Cứ đi rồi sẽ đến' hay 'Bắt đầu đi rồi bạn sẽ có kết thúc có hậu'...

Nhưng liệu khởi nghiệp có thật sự đầy 'màu hồng' như nhiều người vẫn nghĩ?

Nguyễn Xuân Đài chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình trong chương trình 'Thách thức 2015'

Nguyễn Xuân Đài, chàng trai từng đạt giải nhất 2 cuộc thi về khởi nghiệp và thất bại trên chính dự án đó là người hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Chia sẻ trong chương trình 'Thách thức 2015' diễn ra ngày 24/1 do nhóm LifeB tổ chức, Đài cho biết anh từng rất thích xem những bộ phim về khởi nghiệp.

Câu chuyện làm giàu của những nhân vật trong phim thường kết thúc có hậu và Đài cũng đã tin rằng cứ khởi nghiệp đi rồi sẽ thành công.

Thế nhưng, khi phải đối mặt với cuộc sống thật sự, tiền ăn, tiền lương, tiền thuê văn phòng...Đài nhận ra rằng cuộc sống không hề dễ dàng và con người chẳng phải siêu nhân để có thể làm được tất cả mọi điều.

Một ảo tưởng nữa mà Đài gặp phải khi khởi nghiệp là luôn muốn có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Và giờ đây, anh thấy 'điều đó thật nực cười vì bạn chẳng phải là trung tâm của vũ trụ.'

Thực tế không chỉ Đài mà rất nhiều bạn trẻ khác đều tin rằng sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào dự án của họ. Nhưng hơn ai hết, những doanh nhân thành đạt là người hiểu rõ giá trị của đồng tiền và họ sẽ không dễ dàng đem tài sản của mình bỏ vào những nơi không chắc chắn.

Sai lầm khi khởi nghiệp

Sau gần 2 năm khởi nghiệp, Đài đã rút ra được một số sai lầm và coi đó là bài học quý giá cho bản thân mình.

Không quan tâm đến khách hàng muốn gì: Sai lầm đầu tiên mà chàng trai này mắc phải trong quá trình phát triển sản phẩm là rất ít quan tâm đến việc khách hàng muốn gì hay làm thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Theo Đài, hầu hết các tính năng trên sản phẩm xuất phát từ ý tưởng của các thành viên trong nhóm. Hậu quả là khi ra thị trường, sản phẩm không được đón nhận vì không phù hợp với khách hàng.

Thời gian tập trung cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm ít hơn cho việc đi kêu gọi đầu tư. Đài thừa nhận: 'Trong khi sản phẩm của mình chưa tốt, chưa hoàn hảo nhưng lại cố đi kêu gọi đầu tư.' Anh cũng nhắn nhủ với các bạn trẻ đang khởi nghiệp rằng 'Nếu sản phẩm của bạn thật sự tốt, các nhà đầu tư sẽ tự tìm tới.'

Đánh giá quá cao khả năng của mình: Đài cho biết khi xây dựng dự án, anh thường cố gắng tự làm mọi việc từ sản xuất, phân phối, marketing...Việc một mình ôm đồm quá nhiều thứ khiến Đài phải hủy và mất đi các đơn hàng.

Bảo thủ: Đài chia sẻ rằng khi bắt đầu khởi nghiệp, anh luôn nghĩ sản phẩm của mình là số một. Vì vậy, khi nghe những lời góp ý của nhiều anh chị đi trước, anh đã cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên, chính những lời góp ý đó lại là những điều mà khách hàng cần thì anh lại bỏ qua.

Sợ mất ý tưởng: Trước đây, Đài rất dè dặt trong việc chia sẻ ý tưởng của mình vì sợ rằng mọi người sẽ 'ăn cắp' và biến nó thành hiện thực. Nhưng thật sự ý tưởng chỉ là một phần rất nhỏ để đưa dự án thành công. Theo Đài, khi gặp những người thật sự tin tưởng bạn có thể chia sẻ ý tưởng của mình để nghe thêm những lời góp ý.

Lựa chọn thành viên trong nhóm chưa phù hợp: Khi bắt đầu khởi nghiệp, Đài thường lựa chọn những người bạn thân để cộng tác. Tuy nhiên, chính điều đó đã dẫn tới việc mọi người không hề coi anh là người lãnh đạo. Khi xuất hiện vấn đề nào đó, những xích mích rất dễ xảy ra. Vì vậy, Đài nhấn mạnh rằng việc lựa chọn con người là rất quan trọng khi bạn triển khai một dự án khởi nghiệp.

Chỉ nhìn thấy mục tiêu lớn: Giống như nhiều người trẻ khác, khi mới bắt đầu Đài thường để ý đến những mục tiêu lớn với những con số hàng tỷ đồng. Thế nhưng, trải qua quá trình thực hiện, anh hiểu rằng dòng tiền ngắn hạn thật sự rất quan trọng. 'Bạn sẽ không là bạn khi bạn đói', do đó trước khi nghĩ đến mục tiêu dài hạn bạn nên nghĩ đến ngắn hạn.