Ở hậu trường nhiều gameshow truyền hình, người hâm mộ thường bắt gặp một anh chàng "mặt ngố" chạy lăng xăng và luôn có nhiều hành động cổ vũ cho khán giả "sung" hơn. Đó không phải là nhân viên hậu trường, mà chính là ông chủ của Công ty Người hâm mộ Việt - FansViet, chuyên cung cấp dịch vụ khán giả cổ vũ.
FansViet hiện có hơn 25.000 thành viên tại TP HCM và các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... Công ty này đã tham gia vào nhiều gameshow truyền hình trong nước và các sự kiện lớn như BigBang, K-Pop Festival, liveshow của nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đến Việt Nam biểu diễn.
Quốc Cường, người chủ thành lập ra công ty dịch vụ lạ lẫm này vốn là một cậu bé mồ côi tại Đà Nẵng. 8 tuổi anh đã phải đi làm hậu cần ở các gánh hát, sau đó trôi dạt về Sài Gòn làm đủ thứ nghề như gánh nước, bán vé số, đánh giày.
Khi chương trình gameshow, ca nhạc ngày càng nhiều, cần khán giả cổ động, Cường được nhận vào làm công việc tổ chức khán giả cho các chương trình. Thời đó, anh chưa có điện thoại nên phải truyền miệng, hay đạp xe lọc cọc đến từng nhà thành viên để thông báo. Đến năm 2002, cộng đồng FansViet hình thành tại Đà Nẵng. Sau hơn 10 năm hoạt động, FansViet dần tạo được uy tín và đầu năm nay đã thành lập công ty.
Cường diễn "mặt ngố" cùng MC Trấn Thành. Chàng trai trẻ này luôn làm việc với nguồn năng lượng dồi dào dù đang phải hàng ngày chiến đấu với căn bệnh u não. |
Với số vốn 1,9 tỷ đồng do Cường tiết kiệm, kết hợp với huy động từ các cổ đông, anh đầu tư vào thiết bị, trang phục, vật dụng cổ động, quỹ để ứng lương trước cho fan, quỹ tổ chức những buổi giao lưu cho fan... Ngoài ra, Cường còn đầu tư xây dựng xưởng in áo thun, máy in vé và xưởng chế tạo vật dụng cổ động.
Cường cho biết, những sản phẩm như vật dụng cổ động, áo thun, nón, băng đô... đều được thiết kế theo ý khách hàng hay theo xu hướng giới trẻ để bán ra thị trường. Cường đã đầu tư 500 triệu đồng cho xưởng chế tạo các sản phẩm này. "Hiện nay, những vật dụng cổ động đa số xuất xứ từ Trung Quốc, không bền và không theo ý muốn của khách hàng. Khi có show thì tối mắt tối mũi cả ngày, khi "ế show" tôi vào xưởng tự học, mày mò để làm các thiết bị, vật dụng cổ động. Sản phẩm này được tung ra thị trường, kết hợp với cung cấp cho fan, phụ thu vào vé", Cường nói.
Công ty hoạt động kết hợp giữa nhiều mảng kinh doanh, khán giả thuê (cổ vũ có lương cho gameshow, phim ảnh) và khán giả hâm mộ (đi cổ vũ cho thần tượng). Cường lập ban điều hành quản lý 4 ban chính là nhân sự, truyền thông, hoạt náo, hậu cần. Anh còn huy động thành lập một tổ giao vé lưu động. Khi có chương trình, nhóm anh tự thiết kế, in vé và giao tận nhà cho khách hàng.
Cường tâm sự: "Tuy tôi không có học, nhưng nhiều thành viên chủ chốt trong cộng đồng là những sinh viên đại học năng động, giỏi giang. Tôi định hướng cho họ tham gia những cộng đồng fan ở các nước để tiện bề cập nhật thông tin các chuyến lưu diễn của thần tượng nếu đến Việt Nam. Trong đó có nhóm thành viên tham gia giao lưu với Hội người Hàn ở Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam để dễ liên lạc, tạo show".
Khá bài bản, công ty nhận show qua các kênh fanpage, website, hotline. Cường lập một nhóm thông báo cho thành viên qua điện thoại, email và mạng xã hội. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên - những người có thời gian, đam mê thần tượng giới trẻ và muốn có thêm thu nhập. Các thành viên đăng ký theo nhóm, người trưởng nhóm sẽ được trả thêm chi phí. Lương của fan được tính theo giờ và trả luôn sau khi kết thúc show diễn.
Ban đầu do không có kinh nghiệm, chỉ thỏa thuận bằng miệng không qua giấy tờ, Cường có khi phải ngậm ngùi chịu lỗ bù vài triệu đồng để ứng lương cho fan vì ban tổ chức trả tiền ít hơn so với ra giá ban đầu.
Anh cho biết, một chương trình kéo dài khoảng 3 giờ, giá khán giả được "thuê" khoảng 70.000 đồng mỗi người. Nếu kéo dài từ sáng đến chiều thì ít nhất cũng phải 150.000 đồng mỗi người. Tùy theo chương trình, sau khi thu chi Cường còn lại khoảng 700.000 đến 3 triệu đồng một ngày. Ngoài công việc quản lý khán giả, Cường còn có thêm thu nhập từ công việc hậu trường, hỗ trợ đạo diễn.
Để có những chương trình cố định và lâu dài, Cường hợp tác với những chương trình truyền hình thực tế của các đơn vị lớn. Anh lập một ekip cả trăm người làm việc bán thời gian. Mỗi tháng, các cộng tác viên có lương 4 triệu đồng khi làm thời vụ 10-15 ngày chạy chương trình. Những show nước ngoài thì đòi hỏi ban điều hành phải dốc lực dài hơi và chu đáo hơn vì đối tác nước ngoài đòi hỏi rất cao. Ví dụ như chương trình Escape Party trả cho Cường gói 10.000 USD, nhưng anh phải làm rất nhều công việc như PR, đón thần tượng, hỗ trợ chương trình, kiểm tra sân khấu...
Theo Cường, làm dịch vụ này khó nhất là khâu quản lý con người, nhất là khi hòa giải các nhóm fan bất đồng ý kiến. Mỗi người, mỗi tính nên quản lý hàng trăm, hàng nghìn người cần sự linh hoạt trong tổ chức. "Mỗi chương trình đều có một yếu tố khác nhau. Có chương trình về DJ, hiphop, có chương trình lại về nhạc opera, trữ tình... mình làm sao phải theo đúng gu của chương trình đó. Tiết mục múa sôi động thì phải vỗ tay như thế nào, tiết mục múa trữ tình thì vỗ tay kiểu khác cho phù hợp, chứ không thể cái nào cũng vỗ tay ầm ầm. Làm sao để cả ngàn con người cùng vỗ tay đồng bộ mới là cái khó", Cường chia sẻ.
Thỉnh thoảng, Cường đi Hà Nội, qua Hàn Quốc, Singapore để giao lưu với những nhóm fan, học hỏi kinh nghiệm làm việc của họ. Anh cho biết: "Ở nước ngoài, người nổi tiếng thường đưa một khoản tiền lớn cho người quản lý fan. Chính vì vậy, trùm fan người ta giàu lắm, đi Limousine không à. Chứ không như tôi, mới đầu đạp xe lọc cọc, bây giờ mới lên được chiếc xe Cup", Cường hài hước nói.