Tối thứ 7 tuần trước tại một rạp hát ở Seoul đã diễn ra chung kết cuộc thi âm nhạc do JYP Entertainment tổ chức. 20 tài năng trẻ, một số khóc, một số e dè, số khác ngượng ngùng đứng trước hàng ngàn người cổ vũ và người thân của họ.
Tất cả đã phải làm việc cật lực để chuẩn bị cho khoảnh khắc này trong nhiều năm trước khi vượt qua vòng thử giọng của JYP Entertainment - một trong những công ty sản xuất âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc. Sau 6 tuần tập luyện cho buổi trình diễn, chỉ có 3 người xuất sắc nhất nhận được cơ hội ký hợp đồng với công ty này.
"Tôi đã làm việc chăm chỉ trong 5 năm và giờ đã thành công", Kim Byung-kwan phát biểu trong giây phút nhận được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi này.
Những lợi ích mà người chiến thắng có thể nhận được là vô cùng lớn. Họ sẽ không chỉ có cơ hội trở thành siêu sao hàng đầu tại Hàn Quốc, mà còn trên phạm vi toàn châu Á. Bản rap 2012 của Psy mang tên Gangnam Style đã trở nên phổ biến tới mức buộc Youtube phải thay đổi bộ đếm lượt xem là một ví dụ điển hình. Ngành âm nhạc Hàn Quốc đã đạt mức doanh thu 4,4 nghìn tỷ won (tương đương 4,1 tỷ USD) vào năm 2013 theo thống kê của Korea Content Agency.
Với vũ đạo đỉnh cao, âm thanh, ánh sáng sôi động, K-pop lôi cuốn được người xem từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc tới Nhật Bản và thậm chí đã có một vài công ty được thành lập tại châu Âu, Mỹ và châu Mỹ Latin. Thành công toàn cầu của ngành công nghiệp giải trí đã xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp về một đất nước từng nghèo nhất châu Á trở thành giàu có nhất chỉ qua 2 thế hệ.
Lợi nhuận rơi vào tay một vài "ông lớn"
Hầu hết lợi nhuận của ngành âm nhạc vốn được biết đến với thuật ngữ "Làn sóng Hàn Quốc" rơi vào túi của một số ít những công ty sản xuất âm nhạc lớn được tạo nên bởi các cựu ngôi sao. JYP là một ví dụ. Công ty này được thành lập bởi Park Jin-young - một ca sỹ nổi tiếng vào những năm 1990 tại Hàn Quốc.
Những công ty này kiểm soát mọi quy trình sản xuất âm nhạc như tuyển ca sỹ ngay khi còn trẻ, đào tạo, huấn luyện trước khi tạo nên những nhóm nhạc với những tài năng vượt trội nhất và lăng xê, quảng bá họ trên khắp thế giới.
Chỉ riêng công ty lớn nhất trong số này là SM Entertainment cũng đã kiếm được doanh thu trên toàn cầu lên tới 100 triệu USD vào năm 2014, tăng 8 triệu USD so với năm 2008 theo ước tính của KDB Daewoo Securities. Công ty này là "lò" sản xuất ra 2 nhóm nhạc nam nổi tiếng gồm EXO-K với 6 thành viên và EXO-M.
Gian truân hành trình trở thành ngôi sao
"Những nghệ sỹ có tiềm năng sẽ phải tuân theo chế độ đào tạo khắc nghiệt và một hợp đồng lao động nghiêm ngặt", Stella Kim - một trong những nữ thành viên đầu tiên của nhóm nhạc nổi tiếng một thời Girls' Generation nói. Trong ngày trước khi biểu diễn, việc tập nhảy và hát có thể phải diễn ra từ 10 giờ sáng cho đến nửa đêm.
Khi trở thành ca sỹ chuyên nghiệp tại SM, bố mẹ của Kim đã do dự về bản hợp đồng kéo dài 13 năm của cô. Theo đó, Kim sẽ không được làm việc cho bất kỳ công ty giải trí nào khác trong suốt thời gian này và cho SM toàn quyền quyết định với tên tuổi và hình ảnh của cô. Trong khi đó, Kim lại bị giới hạn về phần doanh số trong tổng doanh thu mà nhóm nhạc kiếm được. Kim nhớ lại: "Bố mẹ tôi đã phải nói rằng không thể ký hợp đồng để biến con gái thành nô lệ".
Mặc dù nhiều thay đổi đã được thực hiện nhằm tăng quyền lợi cho các nghệ sỹ, nhưng tranh cãi về hợp đồng trong làng giải trí Hàn Quốc vẫn tiếp tục là chủ đề nóng. Vào tháng 11/2014, 6 thành viên của ban nhạc nam BAP đã kiện công ty quản lý của họ vì "hợp đồng nô lệ" 7 năm. Theo đó, mỗi thành viên chỉ được trả 18 triệu won cho 2 năm mặc dù họ mang lại doanh thu lên tới 10 tỷ won cho công ty.
"Toàn bộ quá trình đào tạo khiến bạn trở thành con nợ với công ty", Mark Russell - tác giả 2 cuốn sách về ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc là K-pop Now và Pop Goes Korea nói. Trong khi đó, một trong những bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc ước tính rằng có tới trên 90% người có triển vọng trong K-pop đều trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.
"Quá trình tạo ra các ca sỹ mới nổi cho thị trường đã trở nên có hệ thống hơn bao giờ hết", Kim Hyung-kyu - Giám đốc tài năng của Cube Entertainment (đơn vị sở hữu nhiều ban nhạc đình đám tại châu Á) hiện đang lên kế hoạch tổ chức show diễn tại Brazil và châu Âu.
"Các công ty thường chỉ chọn những nghệ sỹ có tài năng, biết cải thiện bản thân để ra mắt công chúng. Hiện chúng tôi cân nhắc nhu cầu thị trường trước khi bắt tay vào việc tạo ra các ban nhạc".
Trong một ban nhạc 5 thành viên mạnh, Kim nói rằng 1 người phải nói tiếng Anh thành thạo, 2 người nói tiếng Trung và 2 người nói tiếng Nhật Bản. Một trong những ban nhạc mới của Cube có cả một ca sỹ người Thái Lan với mong muốn giúp ban nhạc tấn công vào thị trường âm nhạc của nước này.
"Có khoảng 10.000 người tham gia thử giọng và chỉ 100 người được tham gia vào vòng đào tạo. Sau đó, chỉ 10 người có thể trở thành ca sỹ. Cuối cùng, trong số 10 người này, chỉ 1 người duy nhất có thể trở thành ngôi sao", ông nói.
Cạnh tranh giữa các công ty giải trí cũng không kém phần khốc liệt khi ngày càng nhiều công ty trẻ mọc lên. Hwang Hyung-chang - cựu chuyên gia tư vấn tiếp thị đã tạo ra công ty Chrome Entertainment vào năm 2012 với một nhóm nhạc nữ 5 thành viên bằng số tiền 10 triệu won có trong ngân hàng.
"Tôi đã cố đảm nhiệm tất cả các vị trí có thể. Từ chuyên gia thời trang, chụp ảnh, thiết kế trang bìa", Hwang nói trong một bài phỏng vấn.
Nhóm nhạc cuối cùng ra đời là Crayon Pop đã trở nên nổi tiếng vào năm 2013 với hit "Bar Bar Bar". Ban nhạc thậm chí đã được mời mở show nhạc với Lady Gaga và ông Hwang nói rằng bản hit của Crayon Pop đã mang về cho Chrome được 1 triệu USD. Từng đó đủ giúp ông làm thêm được rất nhiều dự án mới.
"Trong ngành công nghiệp này, không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền trong ngân hàng. Quan trọng là bạn có thể sống sót bao lâu", Hwang chia sẻ.