Đã bao giờ bạn để ý rằng dù kiếm ra bao nhiêu tiền thì cuối cùng mình cũng sẽ tìm được cách "nướng" hết sạch chưa? Nếu câu trả lời là "đã từng", hãy yên tâm vì bạn không phải là người duy nhất. Có rất nhiều người dường như luôn tìm được cách tiêu hết, thậm chí tiêu quá số tiền họ kiếm được.
Vậy bạn từng thấy cảnh một người trúng số nhanh chóng trắng tay chỉ sau vài năm bao nhiêu lần rồi? Những trường hợp như vậy chắc hẳn không quá hiếm trong xã hội hiện nay. Đáng sợ là điều tương tự cũng có thể xảy ra với một người tự tay kiếm được rất nhiều tiền. Vận động viên huyền thoại Mike Tyson chính là ví dụ điển hình. Ông từng kiếm được hàng trăm triệu USD, nhiều hơn bất cứ tay đấm cùng thời nào, chỉ để sau đó bị phá sản.
Tuy nhiên, dường như có người sắp vượt qua kỷ lục của Mike Tyson, đó là tay đấm Floyd Mayweather. Trong năm 2013, anh kiếm được tới 105 triệu USD chỉ sau 72 phút thượng đài với Canelo Alvarez và Marcos Maidana.
Kiếm được nhiều tiền nhưng anh lại tiêu xài rất hoang phí và không biết cách đầu tư. Theo rapper nổi tiếng 50 Cent, chiến lược tài chính của Mayweather là: "Đánh đấm, nhận tiền, tiêu tiền, rồi lại đánh đấm".
Chiến lược này mới nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng thực tế, không ít người cũng có chung cách sống như vậy: Làm việc, nhận tiền, tiêu tiền rồi lại làm việc.
Nếu bạn cũng đang sống theo cách này và không thể tự do tài chính - nghĩa là sống dư dả, kiếm được nhiều hơn tiêu - thì nên suy nghĩ lại.
Bạn có thể thực hiện một thay đổi nhỏ về chiến lược và học cách tư duy mới. Điều đó sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên hoàn toàn khác biệt. Hãy chuyển từ làm việc vì tiền sang khiến tiền phải làm việc cho bạn.
Hiện giờ bạn là một thương nhân tài chính. Khi làm việc để kiếm sống, bạn đang bán thời gian để đổi lấy tiền. Nói một cách thẳng thắn, đây là giao dịch tệ hại nhất trên đời vì bạn luôn luôn có thể kiếm thêm tiền, nhưng bạn không thể kiếm thêm thời gian được.
Tony Robbins, tác giả cuốn sách "Money Master the Game: 7 Simple Steps to Financial Freedom" cho rằng "cỗ máy kiếm tiền" của một người là chính bản thân người đó. Nếu bạn dừng làm việc, cỗ máy cũng dừng. Dòng chảy tiền bị chặn lại và bạn sẽ chẳng có thêm chút thu nhập nào.
Tuy nhiên, hãy bước ra khỏi vòng luẩn quẩn đó và tìm một biện pháp mới. Hãy tạo ra một cỗ máy kiếm tiền thay mình, lập trình cho nó hoạt động ngay cả khi bạn đang ngủ. Cỗ máy này chính là khoản tiền mà bạn tiết kiệm và đem đầu tư.
Có thể coi cỗ máy như một doanh nghiệp thứ hai, không nhân viên, không quỹ lương, cũng không cần cấp trên. Thứ duy nhất chiếc máy này sở hữu là số tiền bạn bỏ vào. Sản phẩm duy nhất được tạo ra là dòng thu nhập không bao giờ cạn. Nhiệm vụ của chiếc máy là cung cấp cho bạn cùng gia đình một cuộc sống hoàn toàn tự do về tài chính.
Nếu chưa tin lắm về sức mạnh của cỗ máy này, hãy xem xét trường hợp sau. Theodore Johnson là một nhân viên của UPS với thu nhập hàng năm chỉ dưới 14.000 USD. Khi ông nói mình chẳng dành dụm được chút tiền nào, một người bạn bảo ông rằng nếu bị đánh thuế, ông sẽ mất hẳn khoản tiền tiền đó.
Vì vậy, Johnson đã tự đánh thuế nhằm giúp bản thân trở nên giàu có hơn. Dù kiếm được không nhiều tiền, ông vẫn dành 20% thu nhập để đưa vào một tài khoản đầu tư. Sau hơn 5 thập kỷ, khoản tiền sinh sôi và đem về cho ông tới 70 triệu USD.
Cõ lẽ cũng đã đến lúc bạn nên tự "đánh thuế" thu nhập của mình để tạo một cỗ máy kiếm tiền thật sự. Tuy nhiên, cỗ máy này sẽ chưa thể hoạt động cho đến khi bạn quyết định được mình cần dành bao nhiêu phần trăm thu nhập để "nuôi" chiếc máy. Đây là số tiền mà bạn sẽ không đụng tới dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa.
Theo Burt Malkeil, tác giả cuốn sách "A Random Walk Down Wall Street", sai lầm nghiêm trọng nhất mà các nhà đầu tư thường mắc phải là "không biết tận dụng sức mạnh của lãi gộp".
Lãi gộp không phải khái niệm xa lạ gì. Tuy nhiên, mọi người thường quên mất sức mạnh của nó và cho rằng mình phải kiếm một khoản tiền thật lớn thì mới có thể an toàn, ổn định và tự do về tài chính. Trên thực tế, việc tiết kiệm đều đặn một lượng nhỏ sẽ đem lại khả năng tự do tài chính cao hơn.
Kiếm được bao nhiêu tiền không phải là vấn đề. Nếu không biết cách tiết kiệm, bạn có thể mất tất cả. Nhưng khi đã tạo cho riêng mình một cỗ máy kiếm tiền, đừng chỉ nhét số tiền đó xuống dưới gối. Hãy tích lũy chúng trong một môi trường bạn cảm thấy an toàn, đồng thời vẫn có khả năng sinh lời.
Khi chiếc máy của bạn hoạt động, bạn có thể đổi lấy tiền với ít thời gian hơn. Theo tác giả Tony Robbins, đây sẽ là bước đầu tiên và quan trọng nhất giúp bạn tự do tài chính.