SurveyMonkey - doanh nghiệp chuyên về dịch vụ khảo sát thị trường - là một công ty công nghệ điển hình ở Mỹ với việc làm ăn có lãi ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động và thường xuyên duy trì mức tăng trưởng đáng nể. Tuy nhiên CEO của Survey Monkey, Dave Goldberg, vẫn có thể về nhà lúc 5h30 mỗi ngày, điều mà hiếm có lãnh đạo cấp cao nào thực hiện được ở các doanh nghiệp khác. Hãy xem Dave Goldberg chia sẻ một số bí quyết điều hành hiệu quả để có thể dành thời gian cho gia đình.
1. Đừng quá coi trọng kinh nghiệm
Các doanh nghiệp ngày nay có xu hướng coi trọng kinh nghiệm của ứng viên. Một người đã từng làm marketing 5 năm ở công ty X thì nghiễm nhiên được coi là có năng lực tương đương với người có cùng thời gian làm việc ở công ty Y. Tuy nhiên cách liên hệ này hiếm khi tỏ ra chính xác.
Theo Godberg, một ngôi sao ở tổ chức này hoàn toàn có thể trở thành một nhân viên quèn vô danh tiểu tốt ở tổ chức khác, do có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành công của một người trong tập thể như sự phù hợp về văn hóa doanh nghiệp, các mối quan hệ, đồng nghiệp… Trong khi đó, có rất nhiều người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhưng vô cùng thông minh và nhiều động lực lại thường bị ngó lơ. Ở SurveyMonkey, Dave ưa thích việc tuyển những nhân viên trẻ để đào tạo từ đầu. Ông cho rằng những người này có xu hướng trở thành những nhân viên xuất sắc nhất trong tập thể, không những thế còn gắn bó rất lâu với công ty.
2. Nhân viên nào khó sa thải nhất?
Logo của trang web chuyên về dịch vụ khảo sát SurveyMonkey.
Những nhân viên khiến các lãnh đạo phải đau đầu khi quyết định sa thải hay giữ lại không phải những người làm biếng, hiệu quả kém mà lànhững người vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, đáp ứng những yêu cầu được giao, nhưng không còn tiềm năng phát triển cùng doanh nghiệp trong tương lai nữa. Dave Goldberg nhấn mạnh: Khi một doanh nghiệp trưởng thành hơn mỗi ngày, nhân viên của nó cũng phải trưởng thành với cùng nhịp độ.
Dave Goldberg thường rất kiên quyết khi sa thải những nhân viên kiểu này. Tuy nhiên, theo ông lý do đưa ra cho người lao động phải thật mềm mỏng, và đôi khi cần lái theo hướng họ không phù hợp với văn hóa công ty thay vì nói về năng lực làm việc của họ.
3. Họp hành ư? Không cần
Từng là một nhân viên của Yahoo trước khi gây dựng lên SurveyMonkey, Goldberg trung thành với quy tắc "2,5 buổi họp một tuần", nghĩa là chỉ tham gia tối đa 2 buổi họp chính thức, thay vào đó ông chủ động trò chuyện cá nhân với các nhân viên của mình trong những cuộc tán gẫu bên hành lang. Ngoài ra nhân viên của Goldberg cũng có thể trao đổi với ông bất cứ lúc nào trong ngày, ở bất cứ nơi đâu.
Goldberg có xu hướng thích nắm bắt thông tin theo kiểu phi chính thức này hơn là những buổi họp hành dài lê thê. Ông cho rằng hầu hết các vấn đề của doanh nghiệp đều có thể được xử lý bởi các lãnh đạo cấp trung và sự phối hợp của các nhân viên mà không cần CEO phải nhúng tay vào.
Hành lang của SurveyMonkey là địa điểm "họp hành" ưa thích của Goldberg.
4. Thúc đẩy nhân viên mà không làm họ vỡ vụn
Việc đặt mục tiêu cho nhân viên là một nghệ thuật của các CEO. Nếu đặt mục tiêu chung chung hoặc quá dễ dàng, nhân viên dễ đâm ra lười biếng. Ngược lại nếu đặt mục tiêu quá khó có thể khiến người lao động mất niềm tin vào bản thân và vào lãnh đạo của mình.
Bên cạnh đó, bản thân người CEO cũng cần hiểu rõ về điểm mạnh điểm yếu của mình. Dave Goldberg tâm sự : "Tôi không thích và không giỏi làm theo quy trình. Tuy nhiên tôi biết làm việc theo quy trình là rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức, do đó tôi tuyển những người có khả năng làm tốt điều này. Điểm mạnh của họ bù đắp cho điểm yếu của tôi".
5. Rời công sở lúc 5h30
Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn ra rả nói với nhân viên rằng cần phải cân bằng công việc và cuộc sống, rằng hãy về nhà ăn tối với vợ con đều đặn, nhưng chính bản thân họ lại không hành xử như vậy. Với Dave Goldberg thì khác, ông khuyến khích người lao động về nhà đúng giờ và chính ông cũng làm rời công sở lúc 5h30 mỗi ngày.
Mặc dù tới 8h, sau khi các con đã ngủ say, Dave sẽ lại quay trở về với công việc, nhưng cách sắp xếp thời gian của ông đã làm gương cho nhiều nhân viên khác. Ông chia sẻ thành thật: "Khi mới thành lập SurveyMonkey, tôi cũng làm viêc như điên và chẳng để ý tới cái gì khác, tuy nhiên dần dần tôi nhận ra rằng một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài thì cần đảm bảo sự cân bằng cuộc sống cho các nhân viên của nó.
Cặp vợ chồng nổi tiếng Dave Goldberg và Sheryl Sandberg
Cuộc đời và sự nghiệp của Dave Goldberg-CEO của SurveyMonkey, hôn phu của Sheryl Sandberg-người phụ nữ quyền lực nhất đại gia đình Facebook-luôn là hình ảnh truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân lẫn nhân viên công sở nhờ không chỉ xây dựng một đế chế công nghệ thành công mà còn đảm bảo được sự cân bằng giữa hai yếu tố công việc và gia đình. Cần nhấn mạnh rằng hiếm có CEO nào làm được điều tương tự như Dave, cho tới thời điểm hiện tại.