"Cây tỷ đô" tại Ba Vì giờ ra sao?

Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam) đóng tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, được xem là nơi đầu tiên trồng cây mắc ca từ năm 1994.

Đến nay, gần 10 ha mắc ca với hàng chục giống khác nhau đã được trồng thử nghiệm. Kết quả hiện ra sao?

Ngày 9/3, PV NNVN đã về "đại bản doanh" của trung tâm này đóng tại thôn Phú Phong, xã Cẩm Lĩnh để tận mắt diện tích trồng mắc ca ở đây đúng vào giai đoạn mùa mắc ca đang ra hoa đậu quả.

6 cây mắc ca 20 năm tuổi

17-00-22_nh-1

Đây là 6 cây mắc ca được trồng đầu tiên tại Việt Nam ở vườn thực nghiệm của Trung tâm vào năm 1994 (20 năm tuổi) do một số cán bộ của Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam đưa hạt giống từ Australia về.

Cây cao 5-7 m, cả 6 cây hiện đang vào kỳ ra hoa dày đặc, hoa kết thành chùm dài từ 20-50 cm.

Theo các cán bộ tại Trung tâm, năm nào 6 cây mắc ca này cũng ra hoa, nhưng khả năng đậu quả thế nào còn phụ thuộc vào thời tiết. Mùa ra hoa kéo dài khoảng 1 tháng gồm nhiều đợt. Kinh nghiệm cho thấy, nếu gặp năm thời tiết mưa, sương muối kéo dài đúng lúc ra hoa như năm nay, nhiều khả năng sẽ thất thu vì hoa không đậu quả. Ước tính năm được mùa, mỗi cây mắc ca trồng năm 1994 ở đây năm sai quả có thể cho hơn 20 kg quả khô.

Vườn mắc ca trồng năm 2002

17-00-22_nh-2

Được trồng tại Trung tâm để phục vụ cho một đề tài nghiên cứu do Viện KH Lâm nghiệp chủ trì với hàng chục giống khác nhau. Do trồng với mật độ khá dày nên cây sinh trưởng kém. Mặc dù hiện đã vào mùa ra hoa rộ nhưng nhiều cây tại vườn này chỉ ra hoa rất thưa thớt, một số cây đậu quả ít ỏi.

Vườn thử nghiệm 2 ha ra quả phập phù

17-00-22_nh-3

Cùng năm 2002, Trung tâm mở rộng diện tích thử nghiệm lên 2 ha tại khu vực đồi thực nghiệm liền kề thuộc thôn Phú Phong (xã Cẩm Lĩnh) gồm nhiều giống khác nhau bằng cây giống ghép.

Đến năm 2003, Trung tâm tiếp tục trồng thêm 1 ha tại đây. Theo kết quả đánh giá của nhóm tập thể tác giả Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2013, một số giống như OC; 246; 816… cho năng suất khá cao, từ 7,5 đến 8,5 kg hạt/cây.

Tuy nhiên cũng có năm như 2011, 2012, một số giống như 849, 741… chỉ cho năng suất từ 2,4 đến 3,5 kg hạt/cây, gần như không cho giá trị kinh tế. Mùa ra hoa năm nay, nhiều cây thời điểm này đã ra hoa rất nhiều, nhưng cũng nhiều cây hoa rất thưa thớt.

Cây trồng từ hạt gần như không cho quả!

17-00-22_nh-4

Năm 2007, Trung tâm trồng thêm 2 ha mắc ca tại khu vực đồi bằng cây giống thực sinh ươm từ hạt, gồm nhiều giống khác nhau. Tuy nhiên đến nay, gần như toàn bộ diện tích mắc ca này hoặc cho quả không đáng kể hoặc hoàn toàn không ra hoa đậu quả. Trong ảnh là vườn cây trồng năm 2007, hiện đang mùa ra hoa nhưng hoàn toàn không có hoa.

Mắc ca ra quả thất thường

17-00-22_nh-5

Ông Đức, một người dân sống tại thôn Phú Phong (xã Cẩm Lĩnh) cho biết: Tại khu vực đồi trồng thử nghiệm, tỉ lệ ra hoa đậu quả của mắc ca rất thất thường, có năm rất sai quả nhưng có năm lại có tới 40-50% số cây không ra hoa.

"Khi quả mắc ca chín rụng xuống, chuột rất thích ăn. Vỏ quả cứng như thế nhưng chúng khoét một lỗ thủng nhỏ xuyên vỏ rất tài tình để ăn nhân bên trong. Nếu trồng mắc ca mà không trừ được chuột thì chỉ làm mồi ngon cho chúng" - ông Đức nói.

Giá cây giống hợp lý chỉ khoảng 40.000 đồng

Anh Bùi Tiến Hùng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết, để có một cây giống mắc ca ghép đảm bảo chất lượng, gốc ghép phải đạt từ 18 tháng đến 2 năm tuổi, mắt ghép phải có nguồn gốc từ cây mẹ đã được công nhận giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật.

Theo tính toán, một cây giống giá hợp lí chỉ khoảng 40 nghìn đồng, tuy nhiên, đã có tình trạng một số đơn vị bán giống hét giá tới 70-80 nghìn đồng/cây. Không những thế, để nhanh có giống bán, họ đã cố tình ghép đối với gốc ghép rất bé, chỉ khoảng 1 năm tuổi nên khả năng sinh trưởng khi trồng rất kém, chưa kể tình trạng gian lận biến cây con thực sinh giả vờ cây ghép.