Từng là thành viên của Hội Nhiếp ảnh gia Việt Nam, được biết đến với nhiều bức ảnh chụp nguyên thủ, ông Trần Vinh lại chọn cho mình một ngã rẽ mới là gắn bó với nông nghiệp.
"Trước đây, khi còn làm nghề ảnh tôi có nhiều cơ hội đi đây đó. Trong một lần lên Sài Gòn và trò chuyện với người bạn, tôi được giới thiệu về cây mắc ca. Tò mò, tôi mang về Đà Lạt trồng thử thì thấy cây cho năng suất cao, lại được giá nên rất phấn khởi", ông Vinh bộc bạch.
Cũng chính từ kết quả thử nghiệm đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh này quyết định cùng một người bạn góp vốn và lên kế hoạch nhân rộng cây mắc ca ra vùng đất xã Tà Lũng (Đà Lạt).
Thích thú với cây mắc ca, ông Vinh bán đất bán nhà để đầu tư 200ha. |
Đầu năm 2005, ông Vinh cùng bạn nhập hơn 100 cây giống từ Australia và Mỹ về trồng trên mảnh đất 4.000m2. Sau 3 năm cây cho quả bói, đến năm thứ tư mỗi cây đạt sản lượng 30-70kg quả khô. Giá quả khô dao động 120.000-150.000 đồng một kg nên tiền thu được khá cao, khoảng 600 triệu đồng.
Càng tìm hiểu, ông Vinh càng nhận ra rằng mắc ca có giá trị hơn cả so với các cây khác như cà phê hay cao su, với lợi thế là loại thực phẩm có thể ăn hằng ngày. Mặt khác, loạt hạt này còn có thể dùng để chế tạo ra kem dưỡng da, dầu gội đầu…
Sau thành công với 4.000m2, ông Vinh cùng bạn tiếp tục nhân giống, mở rộng đất canh tác lên tới 3ha và hiện giờ đã là 200ha. Toàn bộ diện tích đất được ông thuê của Nhà nước với giá một triệu đồng một ha mỗi năm, thời gian sử dụng 50 năm.
"Chúng tôi đã bỏ vào đây trên 40 tỷ đồng để đầu tư. Tôi phải bán rất nhiều đất và nhà mới có được số tiền trên. Tuy nhiên, đầu tư đến giữa chừng thì bạn tôi gặp sự cố nên chỉ còn một mình theo đuổi đến ngày hôm nay", ông Vinh chia sẻ.
Hiện nay trong số 200ha mắc ca của ông Vinh đã có 30ha trổ bông, số khác đang trong quá trình phát triển.Trong vòng một đến 2 năm nữa thì toàn bộ 200ha này sẽ cho thu hoạch.
Chia sẻ về khó khăn, ông Vinh cho hay, trong quá trình đầu tư, vốn là quan trọng nhất. Để đầu tư cây giống cũng như chăm sóc loại cây này tốn rất nhiều tiền. Với diện tích lớn ông phải đầu tư cả xe ủi, xe đào. Giá cây giống thời kỳ đầu lên đến cả triệu đồng một cây, phải nhập từ nước ngoài.
"Hiện mỗi ngày tôi thuê cả trăm công nhân để chăm sóc. Mỗi tháng phải bỏ ra cả tỷ đồng nên đang dần cạn vốn. Sau một thời gian tính toán, tôi lên phương án rao bán toàn bộ 200ha, hoặc nếu nhà đầu tư nào muốn hùn vốn thì lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ góp", ông Vinh tâm sự.
Bên cạnh khó khăn về vốn, ông Vinh cho hay, để cho năng suất cao, nếu không hiểu rõ về loại cây này rất dễ lâm vào cảnh đầu tư lớn mà hiệu quả không cao, vì mắc ca không phải vùng đất nào cũng trồng được.
"Dù là loại cây rừng nhưng không phải cứ trồng là có quả. Bên cạnh đất, vốn thì phải nhân được giống mắc ca chất lượng cao, năng suất lớn", ông Vinh nói.
Để có một cây giống đạt chất lượng, theo ông Vinh cần có một bộ giống gồm 5 loại và thụ phấn chéo cho nhau. Sau đó, khi cây ra trái, chọn lấy những hạt mắc ca to trên một cây mẹ tốt. Qúa trình gieo hạt và chăm sóc phải mất 7 tháng thì mới xuất cây giống đi được. Do vậy, cây giống do ông làm ra lúc nào cũng lên đến cả triệu đồng.
"Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại, thậm chí nhập cả từ Trung Quốc và được bán với giá rẻ. Nếu ồ ạt trồng đại trà và không có nghiên cứu rõ ràng, rất dễ chọn nhầm loại cây cho giá trị thấp, thậm chí không cho trái", ông Vinh chia sẻ.
Đánh giá về thị trường mắc ca, ông Vinh cho rằng, hiện thị trường vẫn rất khan hiếm sản phẩm. Mắc ca quả khô giá 150.000-200.000 đồng một kg. Còn mắc ca nhân giá cả triệu đồng một kg. Hiện nay, thị trường ồ ạt trồng mắc ca, tuy nhiên, số lượng này còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng dẫn đầu thị trường về mắc ca trong 10 năm tới. Cho nên, tiềm năng phát triển mắc ca ở thị trường Việt là rất lớn.
"Tại Việt Nam chỉ có 2 vùng là Tây Nguyên và Tây Bắc là có triển vọng phát triển loại cây này do điều kiện thời tiết và địa hình thuận lợi. Tuy nhiên, ở 2 vùng này không phải khu vực nào cũng trồng được và cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Do vậy, nếu muốn đầu tư người trồng cần phải nghiên cứu kỹ", ông Vinh khuyến cáo.