1. Thức dậy sớm
Hầu như mọi CEO thành công đều có thói quen dậy sớm. CEO Brett Yormark của đội New Jersey Nets thường thức dậy vào lúc 3h30 sáng. Còn CEO David Cush của Virgin America thường khởi đầu ngày mới vào lúc 4h15. Tương tự, CEO Robert Iger của Disney dậy vào lúc 4h30, Dan Akerson, cựu CEO của General Motors, hiếm khi ngủ tới 4h30 hoặc 5h sáng. Nếu bạn muốn thành công, hãy rèn thói quen thức dậy sớm và hành động. |
2. Tập thể dục thường xuyên
Vì dậy sớm, hầu hết các CEO thành công đều thường xuyên tập thể dục. Trên thực tế, đây là một trong những điều đầu tiên những CEO hàng đầu làm trong ngày. Andrea Jung, cựu CEO của Avon Products, luôn thức dậy vào lúc 5h để tập gym trước khi đi làm. CEO Paul Polman của Unilever thức dậy lúc 6h và tập chạy máy tại văn phòng. Ông cho biết thời gian tập thể dục lúc sáng sớm có tác động tích cực tới cả ngày làm việc. Sau khi thức dậy, Haim Saban, CEO của Saban Capital, thường làm việc một giờ, sau đó tập thể dục 75 phút trước khi cảm thấy có thể bắt đầu một ngày mới. Nếu bạn muốn bắt đầu một ngày làm việc tràn ngập năng lượng, hãy thử đi bộ, chạy hoặc các kiểu thể dục khác mỗi ngày trước khi đến văn phòng. |
3. Tập thiền hàng ngày
Thiền là một phương pháp phổ biến để giữ tinh thần thư thái và tập trung. Oprah Winfrey cho biết, bà yêu thích tập thiền siêu việt (TM) tới mức thuê hẳn một giáo viên để hướng dẫn cho tất cả nhân viên muốn học thiền trong công ty. Mỗi ngày, bà dành ít nhất 20 phút để tập thiền và hướng tới hai bài tập hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 20 phút. Trong một bài viết trên website của mình, Winfrey chỉ ra nhiều lợi ích của việc tập thiền, như: "Ngủ tốt hơn, cải thiện mối quan hệ với người thân, đồng nghiệp. Một số người còn khỏi chứng đau nửa đầu. Ngoài ra, thiền còn giúp tăng năng suất làm việc và tăng cường sự sáng tạo". Rupert Murdoch, chủ tịch News Corp, cũng thường xuyên tập thiền. Ông từng chia sẻ trên trang Twitter: "Tôi đang cố gắng tập thiền siêu việt. Việc bắt đầu không dễ nhưng mọi người nói nó giúp cải thiện nhiều thứ". |
4. Ít họp hành
Họp hành là việc rất tốn thời gian và nguồn lực nên nhiều CEO cho rằng đây là điều không cần thiết. Thay vì phải chi tiền thường xuyên cho các buổi họp (đồ ăn, nước uống, in ấn…), bạn có thể xem xét các biện pháp thay thế để giảm hoặc bỏ luôn các buổi họp. Mark Cuban, chủ nhân Dallas Mavericks, nhận xét: "Nếu không phải bạn đang cần chốt hợp đồng, thì họp hành là việc làm lãng phí thời gian. Có rất nhiều cách để trao đổi với nhau, hoặc nếu cần thiết phải có một cuộc họp, thì nó nên có thời gian cụ thể và đạt được kết quả trước khi kết thúc". Nếu bạn băn khoăn làm sao có thể làm theo tất cả các thói quen trong danh sách này, thì việc bỏ đi các cuộc họp trong ngày có thể là một giải pháp. Hãy cố gắng trao đổi qua email hoặc các phương tiện khác, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. |
5. Quản lý chi tiết bằng ghi chú
Các CEO bận rộn thường có rất nhiều việc phải xử lý, và sắp xếp hợp lý là điều vô cùng quan trọng để mọi thứ được vận hành suôn sẻ. Danny Meyer, CEO của tập đoàn Union Square, có hẳn một hệ thống ghi chú để giúp ông biết mọi công việc mình phải làm trong ngày mà không bị nhầm lẫn hay bỏ sót. Mỗi ngày, trợ lý của ông sẽ gửi bản lịch trình cho ngày tiếp theo, các vấn đề còn tồn đọng, thông tin cần thiến và các ghi chú cho dài hạn. Chia sẻ về hệ thống này, Danny nói: "Chúng tôi mới chỉ bắt đầu cách ghi chú này vào năm ngoái, và tôi không biết phải quản lý mọi việc ra sao nếu không có nó. Tôi luôn quan tâm tới từng chi tiết nhỏ. Với cách làm này, tôi không phải lo sẽ bỏ quên điều gì". Bạn có thể làm theo phương pháp này bằng cách dành một khoảng thời gian trong ngày để ghi chú những chi tiết dù nhỏ nhất. Việc cố gắng xử lý tất cả mọi chuyện cùng lúc sẽ khiến tiến độ làm việc của bạn bị ảnh hưởng. |
6. Bồi dưỡng sự sáng tạo
Trên tất cả các thói quen trong danh sách này, việc bồi dưỡng sự sáng tạo của bản thân có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Trong bất kỳ tổ chức nào, sáng tạo không chỉ giúp bạn thành công mà còn duy trì thành công. Có lẽ không ai thể hiện tinh thần sáng tạo này tốt hơn cựu CEO Steve Jobs của Apple. Phương pháp của ông là tập trung vào thiết kế và cải tiến sản phẩm hàng ngày. Jobs từng nói: "Sáng tạo không chỉ kết nối mọi thứ. Khi bạn hỏi những người sáng tạo đã làm mọi thứ thế nào, có lẽ họ sẽ cảm thấy hơi tội lỗi, bởi thực ra họ không làm cả mà chỉ nói thôi". Jobs đã truyền tinh thần sáng tạo tới các nhân viên của mình và biến sáng tạo trở thành nhân tố cạnh tranh quan trọng nhất của Apple. |