Giá hạt tiêu đen thế giới hiện ở mức 9 USD một kg, gần gấp 5 so với một thập kỷ trước. Trong khi đó, hạt tiêu trắng lên gần gấp 3, ở 13 USD, theo Hội đồng Hạt tiêu quốc tế. Lượng tiêu thụ đã vượt cung suốt 8 năm qua, do nhu cầu gia vị tăng khi người châu Á ngày càng tiêu thụ nhiều thịt, ông Greg Estep - Giám đốc mảng rau và gia vị toàn cầu tại Olam International (Singapore) cho biết.
Quy mô thị trường xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu đã tăng lên 2,5 tỷ USD. Sản lượng tại Việt Nam tăng 15 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt Ấn Độ thành nhà cung cấp hạt tiêu lớn nhất thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết.
"Tôi đến mảnh đất này với hai bàn tay trắng. Nhưng thu nhập nhờ hạt tiêu đã giúp tôi nuôi cả gia đình, mua xe máy và xây nhà", anh Nguyen Van Thanh (54 tuổi) - một nông dân trồng hạt tiêu tại Dắk Lắk cho biết.
Công nhân đang lọc hạt tiêu tại một nhà máy ở Hà Nội. Ảnh: Bloomberg
Thanh hiện thu hoạch khoảng 4,5 đến 5 tấn hạt tiêu mỗi năm trên 1,5 hecta đất tại Tây Nguyên. Anh bán được với giá 190.000 đồng mỗi kg, gấp hơn 9 lần chi phí sản xuất.
Bloomberg nhận xét nông nghiệp Việt Nam đã được đẩy mạnh sau công cuộc Đổi mới thập niên 80, giúp nông dân tiếp cận thị trường quốc tế. Họ đã trồng nhiều cà phê, gạo và hạt tiêu hơn. năm 2012, Việt Nam sản xuất 1,3 triệu tấn cà phê, gấp 11 lần trong 2 thập kỷ qua và đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, theo FAO.
Trong nhiều thế kỷ, Ấn Độ và Indonesia là những nước cung cấp hạt tiêu lớn nhất thế giới, Marjorie Shaffer - tác giả cuốn "Hạt tiêu: Lịch sử loại gia vị quyền lực nhất thế giới" cho biết. Dù hạt tiêu là sản phẩm truyền thống của Việt Nam, nước này chỉ mới nổi lên thời gian gần đây.
"Trước những năm 90, chúng tôi thậm chí không sản xuất đủ hạt tiêu cho tiêu dùng trong nước. Sau đó, sản lượng bắt đầu tăng đáng kinh ngạc sau khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế", ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết.
Năm ngoái, Việt Nam thu hoạch 122.000 tấn hạt tiêu, bằng một phần ba sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, Indonesia chỉ 63.000 tấn và Ấn Độ là 58.000 tấn, theo số liệu của IPC.
Giá hạt tiêu tăng đã giúp người nông dân giàu lên, có tiền mua nhà và ôtô, ông Nam cho biết. Gần một nửa lực lượng lao động của Việt Nam hiện làm trong lĩnh vực nông nghiệp - đóng góp 20% GDP, theo CIA World Factbook.
"Việt Nam đang trở thành thị trường ngày càng quan trọng, do tập trung vào xuất khẩu và tiêu thụ trong nước không tăng quá nhanh. Họ duy trì rất tốt năng suất và sản lượng", Estep cho biết.
Người trồng hạt tiêu ở Việt Nam thường có các trang trại nhỏ, diện tích từ 1-2 hecta, theo IPC. Sản lượng thu về đạt trung bình 2,2 tấn mỗi hecta, so với chỉ 400-500 kg của Indonesia.
Sản lượng tại Việt Nam sẽ ổn định khoảng 130.000-150.000 tấn năm tới, ông Nam cho biết. Giá cả cũng sẽ được duy trì tại 7.000-8.000 USD mỗi tấn. Với anh Thanh, giá này là quá đủ cho kế hoạch mở rộng sản xuất tới đây.