Bill Carmody - CEO và nhà sáng lập của Công ty Trepoint, người sở hữu 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực digital marketing - cho rằng, một doanh nghiệp sẽ phải trải qua 7 giai đoạn trong "vòng đời" của mình, và điều doanh nhân cần làm là xác định xem mình đang ở giai đoạn nào, đang có những gì và cần phải làm gì để tiến đến giai đoạn tiếp theo.
1. Chào đời
Giai đoạn đầu tiên này luôn đầy ắp những cảm xúc: hào hứng, phấn chấn pha lẫn sợ hãi và do dự.
Mọi thành công đều bắt đầu từ ý tưởng. Doanh nhân tương lai nhìn thấy một điều gì đó mà mọi người không thể thấy và nó bắt buộc họ phải hành động. Có thể họ cảm thấy khá mơ hồ về cách thức làm thế nào để bắt đầu một điều chưa tồn tại, nhưng rồi họ sẽ làm được.
Khi thực hiện xong bước này, nhà khởi nghiệp không những đã đặt chân thành công vào thương trường mà còn tạo cơ hội cho nhiều người khác cùng tham gia vào tầm nhìn, sứ mệnh của mình.
2. Đứa bé chập chững bước đi
Đây là giai đoạn doanh nhân phải giữ cho doanh nghiệp của mình tồn tại và phát triển. Ở thời điểm này, các doanh nhân thường chọn 1 trong 2 cách: tự chủ công việc làm ăn hoặc tìm kiếm nhà đầu tư.
Việc hoàn toàn tự chủ giúp doanh nhân kiểm soát tốt hơn mọi thứ, nhưng có thêm nguồn tiền đầu tư cũng sẽ giúp họ "ngủ ngon giấc hơn", có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ và lèo lái công ty đi đúng hướng.
3. Đứa trẻ mới lớn vênh váo, tự mãn
Việc kinh doanh đã đạt đến lứa tuổi "vị thành niên" và có một số thành công nhất định, nhưng thật ra lúc này các doanh nhân chưa thật sự làm chủ được thành quả của mình.
Ở giai đoạn này, nhiều doanh nhân dễ có cảm giác tự mãn và khó nhận thấy các sai lầm của mình. Thay vì đo lường và tập trung vào kết quả kinh doanh, họ lại nhẩn nha "nhấm nháp" cảm giác chiến thắng.
Chỉ khi tình hình kinh doanh thật sự ổn định, họ mới có thể bước tiếp đến giai đoạn tiếp theo.
4. Tuổi thanh xuân tuyệt đẹp
Giai đoạn thứ 4 là giai đoạn đẹp nhất trong "vòng đời kinh doanh" của doanh nhân. Lúc này, họ đạt được thành công thật sự vì công ty đã tăng trưởng ổn định. Đây là giai đoạn mà ai cũng muốn "ở lại" càng lâu càng tốt.
Lúc này, các doanh nhân thường tìm kiếm đối tác tốt để duy trì sự tăng trưởng và cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này thường vô tình dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
5. Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lão hóa
Một số quan hệ đối tác tốt trước đây có thể trở nên căng thẳng, những cộng sự tốt nhất của doanh nhân bất ngờ muốn "bứt khỏi" công ty để kinh doanh riêng, thị trường đã không còn quá hào hứng với ý tưởng của doanh nhân như lúc đầu, hoặc doanh nghiệp khác đã tìm ra cách để nâng cấp những dịch vụ/sản phẩm trước đây của doanh nhân…
Đó là một trong những nguyên nhân có thể khiến việc kinh doanh (hoặc thậm chí là nền công nghiệp doanh nhân đang tham gia) bị đình trệ dần.
Tại giai đoạn này, doanh nhân phải chấp nhận tìm kiếm sự đột phá và phải thay đổi để nhanh chóng quay trở lại thời hoàng kim.
6. Bệnh tật và suy giảm sức khỏe
Nếu doanh nhân không tìm ra được cách để đẩy lùi các "dấu hiệu lão hóa sớm" ở giai đoạn trên thì giai đoạn thứ 6 này là không thể tránh khỏi.
Giai đoạn này bắt đầu từ nội bộ công ty, khi mọi người không tìm ra được hướng đi tiếp theo và không thể giải quyết những khó khăn đang tồn đọng. Sự thụ động còn dẫn đến những cảm xúc tiêu cực khác trong nội bộ như mâu thuẫn, sợ hãi, nghi ngờ…
Trừ khi phải có một bước thay đổi cực kỳ lớn để vượt qua giai đoạn này, bằng không, công ty sẽ cầm chắc thất bại.
7. Lụi tàn
Tất cả các doanh nhân đều cố gắng làm việc cật lực để công ty có thể "sống thọ" hơn cả bản thân họ. Nhưng đến một lúc nào đó, khi họ không thể vượt qua giai đoạn 6, họ phải chấp nhận rằng, đã đến giai đoạn mà mọi cố gắng đã không còn tác dụng.
Lúc này, doanh nhân nên kết thúc việc kinh doanh hiện tại của mình trước khi công ty của họ "kéo" thêm nhiều người xuống "vũng lầy" cùng với nó.