Dưới đây là 9 cuốn sách có ảnh hưởng nhất đến Steve Jobs được nêu trong cuốn "Tiểu sử của Steve Jobs" của tác giả Walter Isaacson:
"King Lear" của William Shakespeare
Steve Jobs bắt đầu đọc các tác phẩm văn chương trong hai năm cuối trung học. Ông nói với Walter Isaacson rằng: "Thời điểm đó, tôi bắt đầu nghe nhạc rất nhiều và tôi cũng bắt đầu đọc nhiều hơn các cuốn sách không phải sách khoa học hay công nghệ, chẳng hạn như những cuốn sách của Shakespeare hoặc Plato. Đặc biệt tôi rất thích cuốn 'King Lear'".
Bi kịch của vị vua già bị điên đang cố gắng để phân chia vương quốc trong cuốn truyện
có thể đã như một lời cảnh báo nho nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến chàng trai trẻ Jobs khi đó và ngay cả sau này.
"King Lear" cung cấp một mô tả sống động về những sai lầm mà bạn có thể mắc phải nếu để mất đi sự tin tưởng vào đế chế của mình. Một câu chuyện chắc chắn sẽ hấp dẫn đối với bất kỳ CEO tham vọng nào", Daniel Smith, tác giả cuốn sách "How to Think Like Steve Jobs" nhận xét.
"Moby Dick" của Herman Melville
Cuốn tiểu thuyết sâu sắc "Moby Dick" của nhà văn Mỹ Herman Melville có thể được xem là một câu chuyện sử thi nhuốm màu hy vọng với chàng Jobs ở tuổi vị thành niên.
Isaacson rút ra rằng có một sự kết nối kỳ lạ giữa nhân vật chính - thuyền trưởng Ahab và Steve Jobs.
Ahab cũng như Steve Jobs đã thu nhận được rất nhiều bài học từ kinh nghiệm trực tiếp chứ không đơn giản là thông qua các tổ chức.
"The Poems of Dylan Thomas" của Dylan Thomas
Những năm cuối trung học, Steve Jobs không chỉ thích đọc những cuốn tiểu thuyết giả tưởng mà còn phát hiện ra tình yêu dành cho thơ ca, đặc biệt là các tác phẩm của nhà thơ xứ Wales -Dylan Thomas.
Daniel Smith, tác giả cuốn "How to Think Like Steve Jobs" nói rằng những bài thơ của Thomas đã thu hút Steve Jobs bởi sự mới lạ về hình thức cũng như sự hấp dẫn về nội dung.
Trong tuyển tập thơ này, "Đừng đi vào đêm tối bằng những bước chân nhẹ" là bài thơ mà Jobs yêu thích nhất.
"Đừng đi vào đêm tối bằng những bước chân nhẹ
Tuổi già phải bùng cháy say cuồng trong lúc cuối ngày;
Hãy giận dữ, giận dữ chống lại ánh sáng đang dần chết.
Cho dù những kẻ khôn ngoan cuối cùng đều biết đêm tối là lẽ tự nhiên,
Bởi vì lời nói của họ chẳng thể gầm lên thành sấm chớp
Họ không đi vào đêm tối bằng những bước chân nhẹ..."
"Be Here Now" của Ram Dass
Vào cuối năm 1972, Jobs bắt đầu theo học tại Reed College, một trường nghệ thuật tự do khá nổi tiếng ở Portland, bang Oregon. Ông bắt đầu sử dụng rất nhiều thuốc LSD và cũng đọc khá nhiều sách về tâm linh. Trong đó, "Be Here Now", một cuốn sách hướng dẫn về thiền định rất có sức ảnh hưởng đến Jobs.
"Đối với tôi, câu chuyện trong cuốn sách chỉ là một phương tiện để chia sẻ với bạn những thông điệp chính xác và đức tin với những điều có thể trở thành hiện thực", Jobs nói.
"Cuốn sách này thực sự sâu sắc. Nó đã biến đổi tôi và nhiều người bạn của tôi", Jobs nói thêm.
"Diet for a Small Planet" của Frances Moore Lappe
Trong năm đầu tiên theo học tại Reed College, Jobs cũng đọc cuốn "Diet for a Small Planet", một cuốn sách hướng dẫn về ăn chay giàu protein đã bán được ba triệu bản.
"Tôi đã tìm thấy cuốn sách khi tôi đã quá chán ngán với những món ăn từ thịt", Jobs nói với Isaacson.
Cuốn sách này đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến Jobs, điều này đã được chứng minh ở chính chế độ ăn kiêng khá nghiêm ngặt của ông trong những năm sau đó.
"Mucusless Diet Healing System" của Arnold Ehret
Tuy nhiên, "Mucusless Diet Healing System" của chuyên gia dinh dưỡng người Đức đầu thế kỷ 20 mới là cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quyết định ăn kiêng của Jobs.
"Tôi đã áp dụng lý thuyết trong cuốn sách theo một cách của riêng tôi", Jobs nói với Isaacson .
Nhưng có vẻ như sau khi đọc cuốn sách của tác giả Ehret, Jobs đã áp dụng chế độ dinh dưỡng một cách quá cực đoan. Thậm chí, có thời điểm, ông đã sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ cà rốt liên tục trong nhiều tuần, đến mức da gần như chuyển sang màu cam.
Ashton Kutcher đã khuyến khích những người ăn chay thử chế độ ăn uống với nhiều loại trái cây trong khi Steve Jobs lại thích làm theo cách của ông và chỉ sử dụng một số loại củ quả nhất định. Kết quả, chính chế độ ăn này đã khiến ông phải nhập viện.
"Autobiography of a Yogi" của Paramahansa Yogananda
Jobs đọc tự truyện "Autobiography of a Yogi" của guru yoga người Ấn Độ Paramahansa Yogananda lần đầu tiên khi ông còn học trung học.
Lần thứ hai, ông đọc lại nó trong khi đi nghỉ tại một ngôi nhà ở chân núi Himalaya ở Ấn Độ.
Jobs giải thích rằng: "Tôi đã vô tình nhìn thấy một bản sao tiếng Anh của cuốn "Autobiography of a Yogi" do một khách du lịch trước đó để lại, và tôi đã đọc nó nhiều lần khi tản bộ quanh các ngôi làng trong kì nghỉ".
Jobs xem cuốn sách như một phần quan trọng trong cuộc sống của ông và ông thường đọc lại nó mỗi năm.
"Zen Mind, Beginner's Mind" của Shunryu Suzuki
Sau khi trở về từ chuyến đi Ấn Độ, sự quan tâm của Jobs với thiền định vẫn tiếp tục phát triển. Điều này một phần nhờ vào thuận lợi của vị trí địa lý khi năm 1970, thiền định của Phật giáo bắt đầu có chỗ đứng ở bang California. Jobs khi đó, không chỉ đọc cuốn "Zen Mind, Beginner's Mind" của Shunryu Suzuki mà còn đăng ký thăm gia các lớp học thiền định của tác giả này.
"Thiền đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của tôi. Có lúc tôi đã nghĩ đến việc đến Nhật Bản và sẽ cố tham gia vào tu viện Eihei-ji, nhưng cố vấn tinh thần của tôi luôn khuyên tôi phải ở lại đây (ở California)", Jobs nói với Isaacson.
"The Innovator's Dilemma" của Clayton M. Christensen
Apple có một thói quen là tung ra các sản phẩm mới tại đúng thời điểm mà các sản phẩm trước đó đang bán rất chạy. Điều này có thể thấy rất rõ ràng qua việc Apple tung ra iPhone ngay trong thời điểm iPod đang đạt doanh số ký lục. Điều này đã ngay lập tức khiến iPod trở nên lỗi thời. Và ngay cả với những đời iPhone, khi các độ nóng của các đời trước chưa kịp "nguội" hãng này lại tiếp tục tung sản phẩm mới ra. Dù vậy, những sản phẩm của Apple vẫn rất "hot".
Jobs đã học chiêu thức này như một phần cần thiết của tăng trưởng, nhờ cuốn sách "The Innovator's Dilemma" của vị giáo sư huyền thoại của trường kinh doanh Harvard - Clayton M. Christensen.
Cuốn sách thừa nhận rằng nhiều công ty thường bị hủy hoại bởi chính sự thành công do họ chỉ dậm chân ở đó mà không nghĩ ra các ý tưởng mới. Trong khi đó, Jobs đã làm những điều ngược lại để chứng minh rằng, những sai lầm như vậy sẽ không xảy ra với Apple.
Ông từng giải thích lý do tại sao Apple cần nắm bắt ngay cơ hội từ công nghệ điện toán đám mây rằng: "Chúng ta phải ý thức được tầm quan trọng của sự chuyển đổi này, vì những gì mà Clayton Christensen gọi là "tiến thoái lưỡng nan của sáng tạo" chính là nói về những người phát minh ra một cái gì đó nhưng không tiếp tục phát triển nó. Và chúng ta chắc chắn không muốn lặp lại sai lầm đó và bị bỏ lại phía sau".