3 năm thử thách của Tim Cook 

Cook được nhận xét là “người tử tế” nhưng cách làm việc rõ ràng, dứt khoát của ông khiến cấp dưới phải “run rẩy”.

Một thời gian ngắn sau khi về làm Giám đốc Điều hành (COO) tại Facebook giúp sức cho nhà sáng lập trẻ tuổi Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg đã hỏi thăm những người cũng ở vị trí tương tự như bà. Lúc đó, bà đã gọi Tim Cook. "Ông ấy đã rất tử tế giải thích cho tôi hiểu rằng công việc của tôi là làm những thứ mà Mark không muốn tập trung nhiều vào. Đó cũng giống như việc ông đang làm với Steve Jobs (đồng sáng lập kiêm CEO của Apple khi đó). Và ông ấy cũng nói rằng công việc sẽ thay đổi theo thời gian và tôi nên chuẩn bị cho điều đó", Sandberg nhớ lại cuộc nói chuyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ hồi năm 2007 với Tim Cook, COO của Apple.

3 năm thử thách của Tim Cook

Trong khi công việc của Sandberg tại Facebook không thay đổi gì nhiều, công việc của Cook lại rẽ sang một trang mới. Thời điểm đánh dấu sự thay đổi lớn này là vào cuối tháng 8/2011, khi Steve Jobs thôi giữ chức CEO, trao lại trọng trách này cho Cook. Sau đó vài tháng, Jobs đã mất vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Lúc ấy, nhiều người lo ngại Tim Cook, dù là một nhà quản lý giỏi, sẽ khó có thể vượt qua được cái bóng của Jobs.

Thế nhưng, 3 năm đã trôi qua, dưới sự điều hành của Cook, vị thế dẫn đầu của Apple vẫn được giữ vững. Apple là công ty có giá trị lớn nhất thế giới xét về vốn hóa thị trường và là công ty sinh lời nhất trong ngành công nghệ. Lợi nhuận của Apple trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2013 gấp 3 lần lợi nhuận năm 2013 của Google và hơn 9 tỉ USD so với đối thủ trực tiếp Samsung Electronics.

Rõ ràng, Cook vẫn đang lèo lái tốt công ty mà ông đã thừa hưởng từ Jobs. Thế nhưng, Apple ngày hôm nay là một Apple hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn của Cook.

Thay đổi văn hóa tại Apple

Cook được biết đến là một người nghiện việc và bảo vệ tính riêng tư rất kỹ càng. Những ai biết rõ về ông đều nói ông là một nhà điều hành rất thấu đáo, thận trọng, luôn đưa ra quyết định dựa trên chi tiết, con số cụ thể. Ông cũng là người biết lắng nghe và đôi khi còn biết pha trò.

Trong khi Jobs nổi tiếng về tính nóng nảy có phần khắc nghiệt thì Cook là một nhà lãnh đạo trầm tĩnh. Trong các cuộc họp, Cook trầm tĩnh đến mức hầu như không ai có thể đọc được gì từ sắc mặt của ông cả. Ông ngồi một cách im lặng, hai tay đan vào nhau đặt trước mặt. Nhân viên cấp dưới chỉ có thể nhìn vào những thay đổi trong động tác đung đưa ghế liên tục để biết ông đang nghĩ gì.

Mặc dù Cook được nhận xét là "người tử tế" nhưng cách làm việc rất rõ ràng, dứt khoát của ông khiến cho cấp dưới phải "run rẩy". "Ông ấy có thể "nướng chín" bạn chỉ bằng một câu nói. Ông đại loại sẽ nói câu: "Tôi không cho rằng nó đủ tốt" và sẽ chấm dứt ở đó. Lúc ấy bạn sẽ chỉ muốn chui vào một cái lỗ để trốn mà thôi", một người thân cận với vị CEO này tiết lộ với hãng tin Reuters.

3 năm thử thách của Tim Cook

Là một người làm việc thận trọng, nhưng Cook cũng không hề do dự khi cần đưa ra những quyết định quan trọng. Một trong những quyết định lớn mà ông đưa ra là sa thải Scott Forstall, người có công phát triển phần mềm iOS (và là một thân tín của Jobs). Ông đưa ra quyết định này sau khi Công ty tung ra iOS 6 và dịch vụ bản đồ số Apple Maps vào cuối năm 2012, một sản phẩm bị lỗi đến nỗi Cook đã công khai xin lỗi khách hàng. Sau khi sa thải Forstall, ông đã giao trách nhiệm thiết kế phần mềm của Forstall sang cho Jony Ive, cũng là một thân tín của Jobs trước đây phụ trách chỉ mỗi khâu thiết kế phần cứng.

"Việc cho Jony kham luôn cả khâu thiết kế phần mềm, kết nối 2 phần rất quan trọng của Apple là một quyết định rất lớn đối với Tim. Và ông ấy đã đưa ra quyết định này hoàn toàn độc lập và rất quyết đoán", Bob Iger, Tổng Giám đốc Walt Disney Co. và là thành viên hội đồng quản trị của Apple, nhận xét.

Văn hóa làm việc dưới thời của Cook có thể khiến một số người không mấy hài lòng. Mặc dù số nhân viên của Công ty tăng rất nhanh, nhưng cũng có không ít người ra đi. Khi trả lời phỏng vấn Reuters, một số nhà tuyển dụng nhân sự tại Thung lũng Silicon cho biết họ chứng kiến lượng hồ sơ xin việc của những người đến từ Apple nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt từ các kỹ sư phần cứng. Tuy vậy, "triều đại" của Cook được đánh giá là tử tế và hòa nhã hơn và đó là một sự thay đổi đáng mừng đối với nhiều người.

Thách thức của Tim Cook

Dưới thời của Cook, có một văn hóa hình thành mà nơi đó, mọi người dường như sẵn lòng thừa nhận sai lầm và cởi mở hơn trong việc giải quyết các vấn đề như điều kiện làm việc kém tại các nhà sản xuất của Hãng ở Trung Quốc. "Điều duy nhất Steve quan tâm là tạo ra những sản phẩm lớn, tuyệt vời. Công ty, nhân viên là công cụ để ông ấy thực hiện được mục tiêu đó. Còn Tim thì quan tâm rất nhiều đến tất cả mọi thứ tại Công ty", một cựu nhân viên nói.

Cook đã sang Trung Quốc thăm môi trường làm việc tại đây. Dưới nỗ lực của ông, điều kiện làm việc ở các nhà máy Trung Quốc đã được cải thiện. Apple giờ theo dõi và báo cáo giờ làm việc của 1 triệu công nhân ở đây để tránh tình trạng làm việc ngoài giờ bất hợp pháp.

Cook cũng quan tâm đến cảm nhận của cổ đông. Đó là lý do ông tung ra kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ tới 90 tỉ USD - điều Jobs luôn phớt lờ mặc cho cổ đông thúc giục. Việc mua lại cổ phiếu quỹ đã khiến cho nhà đầu tư rất vui vẻ vì tiền đã về túi họ trong khi giúp Công ty tăng được lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Theo Bloomberg, giá cổ phiếu Công ty đã tăng 25% từ sau việc mua lại cổ phiếu quỹ trị giá 18 tỉ USD vào quý I năm nay và đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay sau một đợt mua lại cổ phiếu quỹ.

Đáng chú ý, Cook đã thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, ông đã ký hợp đồng với China Mobile, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới, để đưa iPhone tiến vào thị trường này. Nỗ lực của ông đã mang lại kết quả. Trung Quốc giờ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về doanh số bán, tạo ra 5,9 tỉ USD doanh thu trong quý kết thúc vào tháng 3.

Không chỉ vậy, Cook đã đa dạng hóa được dòng sản phẩm với việc cho ra đời iPad Mini và iPhone 5c. Theo hãng marketing di động Fiksu, iPad Mini là chiếc iPad được sử dụng nhiều đứng thứ hai tính đến tháng 4 năm nay. Điều ấn tượng hơn cả là Cook đã giữ biên lợi nhuận của Apple ở mức cao mặc dù chi phí sản xuất tăng lên. "Jobs đã làm được một việc rất lớn là phát triển được các sản phẩm tiêu dùng như iPad và iPhone. Còn Cook đã có thể bành trướng rộng hơn các sản phẩm này và cải thiện được tính sinh lời", Bill Kreher, chuyên gia phân tích cổ phiếu tại Edward Jones, nhận xét.

Dù Cook đã rất khéo léo trong việc quản lý các dòng sản phẩm iPhone và iPad, nhưng Apple vẫn chưa tạo ra được một sản phẩm mới mang tính đột phá nào dưới thời của ông. Trong khi đó, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Tốc độ tăng trưởng điện thoại thông minh đang chậm lại và iPhone đang mất thị phần vào tay các đối thủ chạy hệ điều hành Android. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán iPad cũng đang chậm lại.

Ngay cả Trung Quốc, thị trường quan trọng của Apple, cũng cho thấy loạng choạng. Doanh thu của Apple tại thị trường này đã giảm mạnh trong quý kết thúc vào tháng 6, khi khoảng cách công nghệ giữa Apple với các đối thủ trong nước giá rẻ hơn đang thu hẹp lại, còn đối thủ Samsung vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với việc đưa ra các dòng sản phẩm mới trên mọi phân khúc giá.

Cook đã cam kết sẽ tạo ra một loại sản phẩm hoàn toàn mới vào cuối năm nay. Những người thân cận với Công ty cho biết Apple đang nghiên cứu một đồng hồ thông minh có gắn các cảm biến tiên tiến để theo dõi sức khỏe của người sử dụng. Trước mắt, nhà đầu tư đang hồi hộp trông chờ đợt ra mắt iPhone 6 dự kiến vào ngày 9.9 tới (rạng sáng ngày 10.9 theo giờ Việt Nam). Họ hy vọng sản phẩm này sẽ giúp đẩy tăng doanh số bán của Apple.

Hiện tại, nhà đầu tư vẫn mê cổ phiếu Apple, nhất là sau kết quả kinh doanh lạc quan trong quý kết thúc vào tháng 6.2014. Trong quý này, Apple đã đạt doanh thu 37,4 tỉ USD và lợi nhuận ròng 7,7 tỉ USD, so với các con số lần lượt 35,3 tỉ USD và 6,9 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái. Hệ số biên lợi nhuận gộp đạt 39,4%, tăng từ mức 36,9%. Đó là lý do nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu của Apple trong tháng 8 vừa qua. Dưới thời của Cook, giá cổ phiếu của Apple đã tăng 80% đạt 98,94 USD/cổ phiếu vào ngày 3.9.2014.

"Cook đã nắm giữ một ví trị cực kỳ khó khăn khi ông thừa kế Apple từ một nhà lãnh đạo quá thành công (tức Steve Jobs) và xét vị thế của Công ty mà ông điều hành. Tôi nghĩ ông đã làm được điều đó một cách khéo léo với ý thức rất rõ về bản thân. Ông cho mọi người thấy rõ ông thực sự là ai, không phải là người mà thế giới trông đợi. Tôi thực sự thích điều đó", Bog Iger, thành viên hội đồng Quản trị Apple, cho biết.