3 lý do chính khiến người Việt từ bỏ kinh doanh

(NDH) Trong khi ở các nước trên thế giới, lý do từ bỏ kinh doanh vì 'không có lợi nhuận' thường cao nhất thì ở Việt Nam nguyên nhân này chỉ chiếm 12,9%, đứng vị trí thứ 5.

Tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh ngược chiều với trình độ phát triển kinh tế

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2014 (GEM 2014) đã chỉ ra rằng tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh có xu thế ngược chiều với trình độ phát triển kinh tế. Ở các nước thuộc nhóm I, tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh cao nhất, đạt 10,9%, trong đó tỷ lệ hoạt động kinh doanh chấm dứt sau khi bị từ bỏ là 8%. Ở các nước thuộc nhóm II, tỷ lệ này tương ứng là 4,5% và 3,2%, các nước thuộc nhóm III là 2,6% và 1,7%. Điều này khẳng định rằng ở các nước có trình độ phát triển kém hơn, tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh và tỷ lệ hoạt động kinh doanh chấm dứt cao hơn.

So sánh giữa tỷ lệ từ bỏ kinh hoanh và tỷ lệ kinh doanh trong giai đoạn đầu năm 2014. Đơn vị: %

Ở Việt Nam, báo cáo Chỉ số khởi nghiệp cho thấy tỷ lệ người trưởng thành từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2014 là 3,6% (thấp hơn mức 4,3% của năm 2013), trong đó có 1,6% hoạt động kinh doanh đã phải chấm dứt và 2% hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục hoạt động. Các tỷ lệ này của Việt Nam đều thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước ở cùng trình độ phát triển, cho thấy tính ổn định của các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam cao hơn.

Nếu so với tỷ lệ các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu-TEA (bao gồm các hoạt động kinh doanh đang khởi sự dưới 3 tháng và các hoạt động kinh doanh mới dưới 3,5 năm), tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao, 23,2%. Điều này có nghĩa cứ 100 người mới tham gia vào các hoạt động kinh doanh thì có 23 người khác sẽ từ bỏ kinh doanh. Tương tự, cứ 100 hoạt động kinh doanh mới được khởi sự thì 11 hoạt động kinh doanh khác phải chấm dứt.

Ba lý do chính khiến người Việt từ bỏ kinh doanh

Theo báo cáo Chỉ số khởi nghiệp 2014, khi xem xét về lý do từ bỏ kinh doanh, có 3 lý do chính được người Việt Nam nêu ra là 'lý do cá nhân' (như sức khỏe hay liên quan đến điều kiện gia đình) chiếm 28,6%; 'gặp vấn đề về tài chính' 15,7% và 'do gặp sự cố' 15,7%.

Trong khi ở các nước trên thế giới, lý do từ bỏ kinh doanh vì 'không có lợi nhuận' thường cao nhất, bất kể trình độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam lý do này chỉ chiếm 12,9%, đứng vị trí thứ 5.

Những nguyên nhân chính khiến người Việt từ bỏ kinh doanh. Đơn vị: %

Lý do thứ 4 đối với người Việt Nam và cũng là đối với nhiều nước khác, khiến người trưởng thành từ bỏ kinh doanh là do 'có được một cơ hội việc làm hay một cơ hội kinh doanh khác' (14,3%). Ở các nước phát triển thuộc nhóm III, tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh bởi lý do này còn cao hơn tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh bởi vấn đề tài chính. Lý do này cùng với lý do 'có cơ hội bán lại kinh doanh' tạo thành nhóm các động cơ tích cực của việc từ bỏ kinh doanh. Ở Việt Nam năm 2014, tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh vì có cơ hội bán doanh nghiệp gần như không có.