Là CEO của một start-up không phải lúc nào cũng thú vị. Những thách thức luôn có thể đến bất kỳ lúc nào, và chính bạn-Giám đốc điều hành của công ty sẽ là người đầu tiên phải nhảy vào ngọn lửa đó trước khi những người khác làm theo. Ngoài ra, bạn không chỉ là nhà quản lý mà có thể phải là người đứng đầu các bộ phận marketing, bán hàng hay kỹ thuật. Thực tế, đây có thể là lần đầu tiên bạn phải đảm nhận những vai trò này. Vì vậy, chẳng còn cách nào khác là bạn phải cố gắng 'phân thân' để hoàn thành được mọi công việc.
Sau khi trải qua năm đầu tiên ở vị trí CEO của một công ty khởi nghiệp, tôi đã rút ra được điều gì là quan trọng nhất. Đôi khi thật khó để diễn ta cho mọi người hiểu hết được những thách thức mà những CEO start-up phải đối mặt. Và đây là 3 điều tôi thấy tâm đắc nhất:
1. Biến đội ngũ điều hành trở thành những người bạn tốt nhất của mình
Lần đầu khi tuyển dụng, tôi nghĩ rằng với cương vị CEO, công việc của tôi là gạt bỏ cảm xúc sang một bên và đánh giá ứng viên dựa vào kỹ năng. Chẳng ai quan tâm nếu tôi không thích một ai đó, chỉ cần họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Qua một thời gian, tôi nhận ra rằng công việc sẽ dễ dàng hơn khi đội ngũ quản lý trở thành những người bạn tốt nhất của mình.
Hãy suy nghĩ về đặc điểm của những người bạn thân. Họ là những người mà bạn tin tưởng và sẵn sàng thừa nhận sai lầm, khuyết điểm. Bạn cũng luôn mong thành công sẽ đến với họ, cho dù điều đó có ý nghĩa gì với bản thân mình hay không. Và khi các CEO định nghĩa thành công là đào tạo ra những người tốt hơn bản thân mình, họ đã trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
2. Xây dựng công ty có thể tồn tại cả 100 năm
Một trong những điều tôi thường nghe thấy từ các nhà sáng lập tại San Francisco là tìm cho mình một lối thoát. Ngày bạn hạnh phúc nhất cũng chính là ngày bạn có thể từ bỏ những gì đã tốn công xây dựng.
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi cũng đã mơ ước về ngày đó. Ngày mà tôi có một tấm ngân phiếu lớn trong tay, không phải lo lắng về tiền bạc và có một hành trình khởi nghiệp đầy vinh quang. Nhưng càng làm việc tôi lại càng thấy yêu công ty start up của mình hơn.
Khi sử dụng sản phẩm do mình tạo ra, tôi thực sự bị cuốn hút. Tôi dành cả buổi tối thứ 6 và thứ 7 chỉ để nghiên cứu về mỗi phần trong sản phẩm của mình. Tôi thích phát hiện ra lỗi và khám phá ra những tính năng mới. Tôi không làm điều này vì suy nghĩ đến một lối thoát. Tôi làm điều đó vì nó khiến tôi thấy hạnh phúc. Khi một CEO có sự chuyển đổi, văn hóa công ty cũng sẽ thay đổi.
Các nhà lãnh đạo bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc ai sẽ thay thế ông ta và sự thành công lâu dài cho công ty. Những điều như tầm nhìn, sứ mệnh trở nên quan trọng hơn. Bạn bắt đầu hỏi lý do tại sao công ty của bạn tồn tại. Tôi không tin rằng CEO cần có một tập hợp các kỹ năng nhất định để thành công. Tôi nghĩ rằng các CEO vĩ đại có một tình yêu rất đặc biệt với công ty của họ. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn muốn xây dựng một tổ chức mà nó vẫn luôn tồn tại ngay cả khi bạn ra đi.
3. Không cần trở nên hoàn hảo
Một trong những điều khó khăn nhất đối với tôi trong những ngày đầu thành lập công ty là phải thừa nhận rằng mình đã sai. Tôi đã nghĩ rằng CEO nên càng giấu đi nhiều sai sót thì càng tốt. Điều này thay đổi khi tôi bắt đầu tránh đề nghị sự giúp đỡ từ mọi người khi gặp khó khăn, Tôi nhận ra rằng bằng cách không thừa nhận sai lầm, tôi sẽ không bao giờ có thể cải thiện khả năng lãnh đạo.
Vì vậy, bây giờ tôi thực hiện một thói quen là thừa nhận với mọi người bất kỳ khi nào tôi làm mọi chuyện rối tung lên. Ban đầu tôi thấy khá do dự nhưng giờ thì tôi luôn làm như vậy. Hành động này không chỉ giúp những người khác cảm thấy dễ dàng hơn khi thừa nhận sai lầm, nó còn giúp xây dựng niềm tin trong công ty của tôi.
Tuần trước tôi đã mắc phải một sai lầm và thú nhận nó với Trưởng bộ phận dịch vụ khách hàng. Nghĩ rằng anh ấy sẽ rất tức giận vì vậy tôi đã gửi email và nói lời xin lỗi với anh ta. Điều đầu tiên anh ấy làm là gửi lại email cho tôi và nói rằng tôi đừng lo lắng, anh ta đã giải quyết vấn đề này. Sau khi tôi gửi email một lần nữa để nói lời cảm ơn, anh ấy chỉ đáp lại ngắn gọn rằng: "Đừng lo, tôi luôn ở bên cạnh anh." Đó là những kỷ niệm nhỏ nhưng lại khiến các CEO nhớ trong suốt sự nghiệp của mình.