10 lý do vì sao bạn chưa thể chạm tay đến thành công

10 lý do vì sao bạn chưa thể chạm tay đến thành công

(NDH) Đôi khi bạn tự hỏi tại sao mình vẫn chưa thể thành công và giàu có. 10 lý do dưới đây có thể sẽ giải đáp được thắc mắc của bạn.

10. Sống với quy luật cá lớn nuốt cá bé

Có thể bạn đang nghĩ rằng phải là con cá mập lớn thì mới có thể làm mọi việc tốt nhất và đi thẳng đến thành công. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng cuộc sống là cái bể cá. Cách đơn giản và thực tế nhất chính là lôi kéo mọi người về phía bạn và giúp họ đạt được những gì họ muốn hơn là lo nghĩ về chính vấn đề của bản thân. Và đó là cách để một người tốt kiếm được tiền. Dale Carnegie đã chứng minh điều này trong cuốn sách “Đắc nhân tâm”. Nếu bạn sống theo kiểu cá lớn nuốt cá bé thì chính họ sẽ liên minh lại đối phó với bạn. Hãy nhớ đến Quy Tắc Vàng: Đối xử với mọi người theo cách bạn hy vọng họ sẽ đối xử lại với bạn như thế.

9. Thất hứa

Có thể nói tài sản quý giá nhất bạn có là uy tín, thế nhưng đánh mất nó là điều vô cùng dễ dàng. Nếu bạn đã nói thành lời thì nhất định phải thực hiện theo lời nói đó kể cả trong trường hợp mọi điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan có thay đổi so với ý nghĩ ban đầu của bạn.

Nếu bạn đi ngược lại với lời nói của mình, sẽ có hai việc xảy ra: Một, số người sẵn sàng làm việc và giao thiệp với bạn sẽ giảm dần, hạn chế phần trăm khả năng thành công của chính bạn. Hai, lần 1 thì sẽ có lần 2, lần 3… bạn sẽ tiếp tục thất hứa và sai phạm, thoát li ra khỏi cái gọi là nghĩa vụ. Cuối cùng thì bạn chẳng thể làm nổi điều gì và thất bại hết lần này đến lần khác.

8. Tương lai? Không cần phải nghĩ

Mọi việc bạn làm ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tài chính trong tương lai. Hãy bắt đầu từ bây giờ, suy nghĩ và lên kế hoạch 5 năm, 10 năm hay thậm chí là 20 năm. Dĩ nhiên là bạn không thể đoán trước được tương lai nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể sử dụng cái đầu của mình một cách khôn ngoan với những gì bạn đang có hiện nay. Hãy giao thiệp với những người thông minh, những người thành công. Bạn có thể học được nhiều điều để chuẩn bị cho tương lai của mình.

7. Chọn nhầm nghề, làm nhầm việc

Đừng làm nhưng công việc không có tương lai phát triển và không có khả năng cung cấp nhưng gì bạn muốn. Những việc làm như thế sẽ cho bạn cảm giác hài lòng nhưng chỉ trong 1 thời gian nhất định. Một vài năm sau, bạn sẽ cảm thấy chán chường và hối hận vì sẽ rất khó để thay đổi đường hướng sự nghiệp. Hãy nghĩ về những gì bạn đang làm trong lúc này và rồi nghĩ về hình ảnh của chính mình trong 10 hay 20 năm nữa nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc bạn đang làm. Nếu đó là hình ảnh mà bạn không muốn, hãy thay đổi ngay bây giờ.

6. Cưới nhầm người

Nếu bạn kết hôn với một người có quan điểm về tài chính khác hoàn toàn với bạn, khó để có thể phát triển và thành công. Bạn sẽ phải dành nhiều thời gian và công sức để thuyết phục người bạn đời về mọi quyết định tài chính của mình. Thêm nữa là nếu tình trạng cứ tiếp diễn thì sẽ phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để hòa giải, hay thậm chí là giải quyết ly hôn.

Thành công yêu cầu sự hòa hợp. Nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng với người bạn đời, mọi khoản chi tiêu sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát và sẽ không có cái gọi là kế hoạch tiết kiệm, khó để cùng bàn bạc tạo lập kế hoạch tài chính cho tương lai. Hãy tránh xa điều này bằng việc nói chuyện rõ ràng trước khi kết hôn. Còn nếu bạn đã kết hôn và đang trong tình trạng đã nói ở trên, hãy cố gắng để hiểu rõ nhau hơn trước khi quyết định những việc khác.

5. Ly hôn

Nếu bạn kết hôn với người không hợp, ly dị có vẻ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên nhưng cái giá phải trả cho quyết định đó không hề rẻ. Bạn sẽ đánh mất một nửa số bạn đã kiếm được cộng với chi phí phải trả cho thủ tục ly hôn. Tôi đã thấy nhiều người bị khánh kiệt sau khi ly hôn và rất khó khăn cho họ để hồi phục lại trạng thái của mình.

4. Cho con đi học ở những ngôi trường có chi phí quá đắt

Không hề có một lý do hợp lý nào để bạn cho con đi học ở những trường yêu cầu nộp hết khoản này đến khoản khác. Đừng tự làm chính mình bị áp lực khi chính con cái có thể ngáng đường bạn. Trừ khi những ngôi trường đó thực sự có lợi thế về chất lượng tương ứng với cái câu tiền nào của nấy. Đừng mang nợ cho tương lai nếu bạn đơn giản chỉ muốn khoe khoang.

3. Không có kế hoạch

Có một câu nói rất đúng rằng: người thất bại trong việc lên kế hoạch thực chất là đang lên kế hoạch để thất bại. ( "She who fails to plan, plans to fail"). Bạn cần có kế hoạch chi tiêu. Bạn cần có kế hoạch tiết kiệm. Và bạn cần có kế hoạch tài chính. Bạn có thể tự mình làm tất cả những điều trên và không cần một chuyên gia nào để trợ giúp. Những kế hoạch đó không cần phải thật hoàn hảo. Nhưng dù sao thì có kế hoạch vẫn là một hành động thông minh.

2. Không có hệ thống tự theo dõi

Tự theo dõi tài chính thu chi của bản thân nếu bạn không muốn bị phá sản. Bạn nên bắt đầu làm điều này vì: Một, các khoản chi của bạn sẽ dần dần tự động giảm đi một cách kỳ diệu. Đó là điều sẽ xảy ra khi bạn chú ý hơn và theo dõi các khoản chi tiêu của mình. Tôi không thể lý giải cơ chế đằng sau nhưng tôi có thể đảm bảo điều đó. Hai, bạn sẽ học được cách phân biệt những gì bạn cần và những gì bạn muốn để chi tiêu hợp lý.

1. Không có sự cân bằng

Nguyên nhân lớn nhất lý giải lý do không thành công của con người là họ không hiểu được mối liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập, tài sản, và chi tiêu. Nếu bạn chi tiêu nhiều thì bất kể thu nhập của bạn cao đến đâu, sẽ có một ngày bạn không còn lại gì cả.

Đã bao giờ nghe đến những vụ phá sản của người nổi tiếng chưa? Tôi có thể cho bạn cả một bảng tên dài. Họ tự kết thúc sự giàu có no đủ vì họ không có sự cân bằng về tài chính. Bạn nên theo dõi và kiểm soát mọi chi tiêu và mua những tài sản có thể giúp bạn tăng thu nhập. Sau đó là có một kỳ vọng thực tế về thu nhập của bản thân trong tương lai sắp tới. Hãy tự hỏi bản thân để có những quyết định chính xác: Nếu bạn tiếp tục sống với cách sống cũ thì bạn có khả năng sẽ làm giảm dần khối tài sản của mình? Nếu làm thế thì bạn sẽ sống như thế nào?

Rất ít người bỏ thời gian để tìm hiểu về sự cân bằng này và đây cũng là lý do vì sao có rất nhiều người sống dưới áp lực tài chính và khiến đồng tiền chi phối chính mình. Nếu bạn sẵn sàng thay đổi và hành động, điều này không còn ngăn trở bạn vươn đến thành công nữa.