Theo thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, mặt bằng lãi suất hiện giờ trong nước khó mà giảm thêm bởi nếu loại bỏ các yếu tố sụt giảm bất ngờ của giá năng lượng, hàng hóa, lạm phát năm qua cũng khoảng 3%. “Cho nên dư địa giảm lãi suất rất khó. Nếu giảm xuống giờ thì có thể ngắn hạn ta được nhưng vỡ ổn định lâu dài”, Thống đốc nói.
Trong 6 tháng cuối năm, đã xuất hiện nhiều áp lực tăng lãi suất như tín dụng trong năm 2015 tăng trưởng gần 18% nhưng huy động vốn chỉ đạt 13%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần dành nguồn vốn lớn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ. Do vậy, Thống đốc Bình cho rằng áp lực tăng lãi suất đang hình thành.
Điều này cũng thể hiện trên thực tế thì mấy ngày gần đây, lãi suất huy động các kì hạn ngắn ở một số ngân hàng đã nhích tăng một chút. Có lẽ để tránh trường hợp lãi suất tăng lên quá mạnh thì việc thả lỏng chính sách tỉ giá là điều cần thiết.
Thật ra, đặt trong bối cảnh xu hướng ngày càng mạnh lên của đồng USD là điều khó thể tránh khỏi trong các năm tới thì điều mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần là một chiến lược tiền tệ rõ ràng hơn được phát đi từ Ngân hàng Trung ương.
Mặc dù vậy, chiến lược sao cho hiệu quả là điều không dễ thực hiện. Không chỉ có FED, chính sách của Trung Quốc là điều được giới đầu tư đặc biệt quan tâm hiện tay. Nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống trong khi quá trình cải cách nền kinh tế hướng tới tiêu dùng không diễn ra nhanh như kì vọng có thể khiến giới lãnh đạo Trung Hoa sử dụng các công cụ tỉ giá quyết liệt hơn như một biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu, cứu cánh nền kinh tế. Dự báo của công ty chứng khoán Daiwa Capital Market (Nhật) mới đây đã không ngần ngại cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ phá giá trung bình 6-8% trong năm 2016 hoặc bi quan hơn, có thể đến 17%.
Đối phó với các thách thức này không phải là dễ dàng cho các nhà quản lí. Theo Ông Bạch An Viễn – Trưởng phòng Phân tích công ty chứng khoán KIS Việt Nam, trong thời gian qua dự dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh do Ngân hàng Nhà nước liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối, bên cạnh đó áp lực từ cán cân thương mại thâm hụt vẫn đang diễn ra, thậm chí có thể tiếp diễn trong năm sau. Theo dự báo của mình, KIS Việt Nam, tiền đồng có thể sẽ phá giá thêm 3% trong năm tới ở kịch bản bình thường và cao hơn nữa nếu thực tế diễn ra bất ổn hơn dự đoán.
Trong năm 2015, tiền đồng Việt Nam đã ghi nhận mức giảm 5% trong năm nay dù mức giảm này là thấp so với các đồng tiền trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Thái lan. “Như vậy, các rủi ro về tỷ giá và rút vốn tại các thị trường mới nổi có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới và thị trường sẽ chịu tác động tiêu cực, dù những rủi ro này sẽ không quá mạnh khi chính sách của FED cũng đã trở nên rõ ràng hơn”, ông Viễn trấn an.
Ngày 17/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã đưa mức trần lãi suất tiền gửi bằng USD của các cá nhân về mức 0%, một bước đi giảm đà hưng phấn của đồng USD cũng như cũng cố chính sách chống trình trạng đôla hóa của nền kinh tế.
Chính sách đó đang cố gắng “ép” thị trường yêu tiền đồng nhiều hơn nhưng thực tế cho thấy tâm lí nắm giữ tài sản bằng tiền USD của người dân, nhất là tài sản đó được dự báo đang tăng giá trị, vẫn là điều khó dứt bỏ một sớm một chiều.Về cơ bản thì nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang vận hành khá tốt nếu các con số thống kê là đúng. GDP tăng trưởng 6,68% 2015 và dự kiến sẽ cao hơn trong năm tới. Thị trường bất động sản diễn tiến sôi động khi trong 10 tháng đầu năm lượng giao dịch thành công được thống kê tại Hà Nội lên tới 16.200, tại TP.HCM lên tới 15.500 - tức gấp đôi so với các con số cùng kì năm trước. Kiều hối và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khả quan sẽ là điểm hỗ trợ tốt cho tiền đồng.