Tại buổi họp báo, đại diện NHNN cho biết việc thay đổi phương thức điều hành tỷ giá từ duy trì cố định với biên độ mục tiêu sang công bố hàng ngày là bước đi phù hợp trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Cụ thể, năm 2016 Fed dự kiến tăng lãi suất 4 lần, đồng NDT đưa vào giỏ tiền tệ hoán đổi của IMF, kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với một loạt FTA được ký kết, TPP…
“ Tỷ giá cần điều hành linh hoạt hơn” – Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Bùi Quốc Dũng nói trong buổi họp báo.
Với yêu cầu đó, cơ quan quản lý đã tiến hành xây dựng và triển khai cách thức điều hành tỷ giá mới – tỷ giá trung tâm
3 yếu tố chính được xem xét
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày vào trước phiên giao dịch dựa trên 3 yếu tố là tỷ giá bình quân gia quyền của phiên liền trước, diễn biến quốc tế các đồng tiền là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và cân đối vĩ mô.
Tại sao lại bình quân gia quyền?
Khác với lựa chọn của Trung Quốc sử dụng tỷ giá cuối ngày để tính toán, NHNN lựa chọn tỷ giá bình quân gia quyền nhằm loại bỏ yếu tố đầu cơ, làm giá trên thị trường ngoại hối.
Cũng không như một số quốc gia sử dụng thuần túy diễn biến thị trường quốc tế để xác định tỷ giá trung tâm, không phản ánh quan hệ cung cầu trong nước, cơ chế xác định tỷ giá mới của NHNN dựa trên cả diễn biến quốc tế lẫn nội địa. Như vậy, tỷ giá trung tâm xác thực và hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của NHNN sau khi phân tích diễn biến tỷ giá 2015 thì yếu tố tâm lý do diễn biến quốc tế chiếm 93% trong xu hướng tỷ giá. Do vậy, để đảm bảo phản ánh đúng thực tế, NHNN dựa trên thực tế cung cầu thị trường trong nước, qua tỷ giá bình quân gia quyền để xác định tỷ giá trung tâm.
Giỏ tiền tệ để xác định tỷ giá trung tâm?
NHNN dựa vào 8 đồng tiền có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam là USD, Euro, NDT, Yên Nhật, Dollar Singapore, Won, Dollar Taiwan và Bảng Anh.
Việc lựa chọn được tính toán kỹ và so sánh với danh sách 9, 15 đồng tiền khác thì thấy không có sai lêch đáng kể, nên sử dụng 8 đồng tiền giúp cho việc tính toán dễ dàng hơn.
NHNN sẽ là người bán ngoại tệ cuối cùng
Cùng với biện pháp xác định tỷ giá trung tâm, NHNN cũng thay đổi cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, thay cho hợp đồng giao ngay trước đây.
Cụ thể, nếu NHTM muốn mua ngoại tệ, NHNN sẽ bán cho một hợp đồng phái sinh với giá bán cao hơn nhất định, ví dụ 1% trong 3 tháng. Thông qua hợp đồng này, NHNN gửi thông điệp về giới hạn biến động tỷ giá tới NHTM.
Các NHTM chủ động thực hiện giao dịch với đối tác và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN. Tuy nhiên, NHNN đảm bảo cung cấp đủ ngoại tệ, là người bán cuối cùng cho NHTM.
Qua cách thức giao dịch kỳ hạn, NHNN tạo ra kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá và quản lý kỳ vọng đó thông qua công cụ thị trường. Điều này phù hợp với quy định trong pháp lệnh quản lý ngoại hối là thả nổi có quản lý.
“NHNN đảm bảo tỷ giá không biến động quá mức và có đủ biện pháp để thực hiện điều đó. Chính sách tỷ giá đảm bảo ổn định trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng” – Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Vào thứ 5 hàng tuần hoặc ngày làm việc kế tiếp nếu thứ 5 là ngày lễ, NHNN công bố tỷ giá tính chéo ngoại tệ khác phục vụ cho việc tính thuế.
Biên độ giao dịch của các NHTM?
Tiếp tục áp dụng biên độ giao dịch +/-3% như đang thực hiện.
Doanh nghiệp được gì? Mất gì?
Theo NHNN, cơ chế tỷ giá mới linh hoạt khiến cho cung cầu thị trường thông suốt nên việc mua bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn.
Việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho doanh nghiệp như trước đây.
Cuối cùng là khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 15 về giao dịch kỳ hạn, khuyến khích sử dụng sản phẩm phái sinh, ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ. Thực tế khi triển khai đồng loạt các biện pháp, doanh số giao dịch kỳ hạn trên thị trường tăng rõ rệt từ dưới 10 triệu USD/ngày lên 100 triệu USD/ngày.