Fed tăng lãi suất dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế

Thời báo Ngân hàng xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia xung quanh các hiệu ứng truyền dẫn từ việc FED tăng lãi suất.

Cuối tuần qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất lên thêm 0,25%. Một điểm đáng quan tâm là mặc dù lạm phát tại Mỹ chưa đến mức 2% kỳ vọng, tăng trưởng được đánh giá là chưa mạnh mẽ, tuy nhiên quyết định tăng lãi suất của FED được 100% thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tán thành. Thêm nữa, quyết định tăng lãi suất trên đi kèm với chủ trương sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất một cách thận trọng trong năm tới, và dự báo cuối năm 2016 lãi suất FED có thể đạt 1,375%.

Động thái này ngay lập tức được phản ánh trên các thị trường tài chính và tài sản quan trọng, như vàng tăng giá, chứng khoán tăng điểm, giá dầu giảm… Đồng thời, thị trường tài chính thế giới cũng đã có những phản ứng lại, với nhiều đồng tiền giảm giá so với đô la, trong đó có nhân dân tệ của Trung Quốc…

Thời báo Ngân hàng xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia xung quanh các hiệu ứng truyền dẫn từ việc FED tăng lãi suất này.

Ông Vũ Đình Ánh,chuyên gia kinh tế:

Mới là động tháithăm dò

Ông Vũ Đình Ánh

Sau nhiều lần trì hoãn, việc FED quyết định tăng lãi suất “nhỏ giọt” lần này chủ yếu mang ý nghĩa tạo tâm lý cho thị trường nhiều hơn là tác động thực sự tới kinh tế - tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô của Mỹ vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Mức độ và thời điểm điều chỉnh lãi suất của FED lần này không gây bất ngờ và mang tính chất phát tín hiệu cho định hướng chính sách năm 2016.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là vì sao quyết định tăng lãi suất của FED sau nhiều lần định hoãn thì nay lại được tất cả thành viên FOMC đồng tình? Theo tôi, việc FOMC đồng thuận tăng lãi suất là do điều kiện để phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách lãi suất đã chín muồi. Hơn nữa, tín hiệu này không tác động nhiều tới hoạt động hiện tại của các thành viên FOMC và tín hiệu đó có mạnh lên hay không còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế - tài chính Mỹ cũng như toàn cầu trong năm 2016 tới đây.

Một vấn đề khác, cho dù động thái điều chỉnh lãi suất của FED đã được thị trường dự đoán trước, nhưng các thị trường tài sản và tài chính vẫn ngay lập tức phản ứng lại quyết định của FED, với giá dầu thô giảm, chỉ số chứng khoán lên điểm… Nhưng, phản ứng không quá mạnh của thị trường quốc tế cho thấy vai trò của FED nói riêng, của nền kinh tế Mỹ nói chung tuy vẫn rất quan trọng, song đang trong quá trình điều chỉnh. Quyết định của FED mang tính thăm dò, theo đó phản ứng của thị trường cũng mang tính thăm dò tương tự.

TS. Nguyễn Đức Độ,Phó Viện trưởng ViệnKinh tế Tài chính(Học viện Tài chính):

Cần giữ ổn định tỷ giá

TS. Nguyễn Đức Độ

Việc FED tăng lãi suất về lý thuyết sẽ khuyến khích các nhà đầu tư rút tiền từ nhiều nơi trên thế giới và chuyển sang Mỹ, khiến đồng USD sẽ lên giá và nhiều đồng tiền khác bị giảm giá. Tuy nhiên, lần tăng lãi suất này của FED đã được dự báo trước từ rất lâu và thị trường đã chuẩn bị cho điều này trong suốt hơn một năm qua.

Vì vậy, khi FED tăng lãi suất, phản ứng của thị trường không mạnh, do những ai dự báo USD tăng giá thì đã mua USD vào, còn những ai sợ các đồng tiền khác mất giá thì cũng đã tháo chạy và chuyển sang USD…

Cùng lúc đồng đô la Mỹ lên giá sau quyết định tăng lãi suất của FED, đồng nhân dân tệ lại giảm giá cũng là diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ thế giới, phát đi từ hai nền kinh tế lớn.

Thực ra, việc FED thắt chặt tiền tệ thể hiện nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên, cơ hội kinh doanh rộng mở hơn. Còn việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ thể hiện nền kinh tế đang giảm tốc. Hiện có xu hướng dòng tiền đang rút khỏi Trung Quốc và chảy về Mỹ.

Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không diễn ra mãi mãi. Khi tiền chảy về Mỹ quá nhiều, lợi nhuận đầu tư ở Mỹ sẽ giảm và đối với Trung Quốc thì ngược lại. Đâu là điểm cân bằng của dòng vốn thì có lẽ cần theo dõi thêm.

Nhưng đáng lưu ý hơn, khi mức sinh lời từ các khoản đầu tư từ Trung Quốc giảm, các dòng tiền sẽ tìm nơi đầu tư khác và Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng này. FDI chảy vào Việt Nam có thể nhiều hơn.

Đối với hoạt động sản xuất, việc đồng USD tăng giá còn đồng nhân dân tệ và các đồng tiền khác giảm giá có tác động đến các DN xuất khẩu ở một mức độ nhất định, nhưng không quá lớn.

Xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng cao so với nhiều nước khác, nhập siêu ở mức 3 tỷ USD cũng không phải là thảm họa. Tuy nhiên, các số liệu về sản lượng công nghiệp, chỉ số PMI, mức nhập siêu giảm cho thấy tốc độ phục hồi của nền kinh tế đang chậm lại. Bởi vậy, việc hạ lãi suất là rất cấp bách trong thời gian tới.

Nhưng lãi suất chỉ hạ được khi người dân thấy giữ VND lợi hơn giữ USD. Muốn vậy, bên cạnh việc giảm lãi suất USD, phải khống chế được kỳ vọng phá giá USD ở mức thấp, tức là không thể phá giá nhiều, vì tâm lý người dân có tính bầy đàn cao. Ổn định tỷ giá là điều kiện cần để hạ được lãi suất.

Hơn nữa, tỷ giá giữa các đồng tiền đã biến động tương đối mạnh trong năm 2014-2015 do sự bất định về chính sách tiền tệ của FED. Nhưng trong thời gian tới, khi lộ trình tăng lãi suất của FED đã rõ ràng hơn, tỷ giá có thể sẽ không còn biến động mạnh như vậy nữa.

Ông Trần Minh Hoàng,Công ty TNHHChứng khoán NHTMCPNgoại Thương:

Có thể hạn chế dòng tiền vào chứng khoán

Ông Trần Minh Hoàng

Trước khi tăng lãi suất, FED đã đưa ra nhiều tín hiệu, không chỉ trong thời gian gần đây mà suốt cả năm nay, về khả năng sẽ có điều chỉnh này. Về lý thuyết, thông tin tăng lãi suất nêu trên không phải thông tin tích cực. Tuy nhiên, cách hành xử của FED trong đưa ra thông tin và xử lý tình huống rất tích cực, vì đã dành thời gian rất dài cho thị trường thế giới và Việt Nam có sự chuẩn bị. Cho nên, hành động của FED sau khi có thông tin chính thức chỉ tạo hiệu ứng giống như “cú thở dài nhẹ nhõm” từ phía thị trường.

Đáng chú ý thứ hai là thông điệp mà FED đưa ra không chỉ gần đúng với kỳ vọng với thị trường mà còn có ý kiến cho rằng có vẻ tốt hơn một chút khi khẳng định rất rõ tăng lãi suất trong năm tới rất từ từ. Và để kiểm chứng lại khả năng phục hồi của nền kinh tế. Với thông điệp như vậy, thị trường bao giờ cũng có diễn biến tích cực hơn.

Sắc xanh trở lại với TTCK thế giới, và TTCK Việt Nam phần nào hưởng lợi nhưng chỉ trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn đây không phải là thông tin tốt vì khi lãi suất tăng sẽ gây áp lực lên nhiều thứ về tỷ giá, về lãi suất đồng nhân dân tệ và tiền đồng Việt Nam. Điều này làm cho bối cảnh năm 2016 nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro hơn.

Về dài hạn, động thái khối ngoại sẽ kém hơn so với giai đoạn trước vì dòng vốn không còn rẻ, chi phí càng về cuối năm càng cao hơn. Không chỉ hạn chế về chi phí mà cả về vấn đề rủi ro tỷ giá. Vì vậy rõ ràng nó sẽ hạn chế dòng tiền mới vào thị trường Việt Nam.

TS. Nguyễn Tú Anh,Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô CIEM:

Hoàn toàn có thể giữ được tỷ giá

TS. Nguyễn Tú Anh

Quyết định tăng lãi suất đồng USD của FED không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính Việt Nam. Mức tăng lãi suất 0,25% của FED so với tỷ lệ lãi suất của Việt Nam là không đáng kể. Do đó, không có tác động đến việc đảo chiều dòng tiền từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất của FED tác động đến Việt Nam một cách gián tiếp, thông qua các thị trường khác.

Cụ thể, ở các thị trường phát triển như Nhật Bản, EU thì lãi suất 0,25% là con số đáng kể, có khả năng tạo ra sự đảo chiều dòng tiền, đồng USD có thể đắt hơn ở các thị trường này, kéo theo tỷ giá đồng tiền của các thị trường này mất giá, từ đó tác động đến giỏ tiền tệ của Việt Nam. Với tỷ lệ tăng lãi suất của FED, thì tác động tăng lên giỏ tiền tệ có thể chưa đến 1%, tỷ lệ này nằm trong biên độ dao động tỷ giá của VND, do đó hoàn toàn có thể điều chỉnh được.

Nhìn rộng ra, dịp cuối năm, tỷ giá Việt Nam chịu 2 sức ép chính. Sức ép thứ nhất đến từ thói quen chi tiêu, nhập khẩu nhiều vào dịp cuối năm, do đó làm cho nhu cầu USD lớn. Đồng thời, cuối năm cũng là thời kỳ cân bằng trạng thái của hệ thống ngân hàng, các DN vay ngân hàng bằng USD bây giờ có nhu cầu trả bằng USD, họ phải mua USD dẫn tới cầu USD tăng lên. Tuy vậy, nguồn cung USD cuối năm cũng sẽ tăng bởi nguồn kiều hối cuối năm về nhiều (dự kiến năm 2015 là khoảng 12 tỷ USD). Do đó, nhận định chung, chúng ta hoàn toàn có thể giữ được tỷ giá ổn định.

Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất làm đồng USD lên giá, khi đó giá dầu sẽ giảm. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng xu hướng giá dầu giảm diễn ra trước khi FED tăng lãi suất, có phần do các nền kinh tế mới nổi suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là Brazin, Trung Quốc. Xu hướng chung là giá dầu sẽ tiếp tục giảm, xoay quanh mức 35 USD/thùng. Giá dầu giảm thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng không lớn.

Hiện tại, phần ngân sách Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm vào khoảng 6-7%. Ngược lại, giá dầu giảm cũng sẽ tác động giảm chi phí sản xuất, làm tăng GDP, kéo theo tăng nguồn thu từ thuế và phí, bù đắp ngược trở lại phần hụt thu do giá dầu giảm.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:

Việt Nam ở thế có thểcân đối được

TS. Nguyễn Xuân Thành

Trong việc FED tăng lãi suất lần này có một điều thú vị, thông thường khi FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, phản ứng tức thì trên thị trường tài chính ở Hoa Kỳ và thị trường chứng khoán toàn cầu đều đã tăng điểm.

Nguyên do là bởi nhiều lần FED dự định tăng lãi suất nhưng cuối cùng lại không tăng. Thị trường giải thích cho sự chần chừ này là do FED nghĩ rằng kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn yếu. Lần này FED dự kiến tăng lãi suất và thực tế đã quyết định tăng, đây là tín hiệu cho thấy FED tin tưởng vững chắc vào sự cải thiện của nền kinh tế Hoa Kỳ, điều này là yếu tố tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, lãi suất USD tăng lên 0,25% sẽ khiến cho một số nền kinh tế mới nổi, phụ thuộc vào vay nợ thương mại bằng USD và nhận vốn đầu tư chứng khoán mang tính ngắn hạn từ nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm các nền kinh tế Brazin, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia. Dòng vốn nước ngoài từ các nền kinh tế này đảo chiều, tạo áp lực mạnh lên tỷ giá hối đoái của các nền kinh tế này so với đồng USD.

Riêng tác động vào dòng vốn của Việt Nam sẽ không nhiều. Bởi vì sự lệ thuộc vào dòng vốn nước ngoài đầu tư vào chứng khoán của nước ta không quá lớn, đặc biệt là tỷ lệ vay nợ ngắn hạn được kiểm soát khá chặt chẽ. Hơn nữa, tín hiệu tích cực từ việc hội nhập của Việt Nam khi vừa kết thúc đàm phán TPP, ký kết các hiệp định FTA, đặc biệt là với EU, rồi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… sẽ cân đối được với tác động tăng lãi suất của FED.