Chủ tịch Eximbank: Vì sao ông Lê Minh Quốc được chọn?

(NDH) Thị trường tuần qua nóng với đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank. Bởi lẽ tại kỳ họp này các cổ đông sẽ bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo ngân hàng gồm các TV HĐQT cũng như BKS và cổ đông kỳ vọng ban lãnh đạo mới sẽ đưa NH quay lại thời kỳ hoàng kim trước kia.

Cuộc bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo mới Eximbank có vẻ không suôn sẻ ngay từ đầu. Trước hết là việc HĐQT thay đổi danh sách đề cử vào phút chót. Theo thông báo từ trước đó, danh sách có 2 ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm nguyên đều là lãnh đạo NHTM Nam Á.

Tuy nhiên, danh sách cuối cùng đã không có 2 thành viên này mặc dù trước đó cả 2 đều đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần, có quyền đề cử TV HĐQT.

Ngoài ra, ông Phạm Hữu Phú nguyên TGĐ Eximbank cũng xin rút lui sau khi từ nhiệm chuyển chức vụ cho ông Trần Tấn Lộc. Một nhân vật khác gắn bó lâu năm với Eximbank là ông Đặng Phước Dừa cũng không có tên trong danh sách cuối cùng bầu TV HĐQT.

Sau đó tại đại hội, quá trình bầu cử tiếp tục trắc trở. Cụ thể, tại phiên bầu cử diễn ra 15/12, theo thông báo ban đầu của ban kiểm phiếu ông Lê Minh Quốc chỉ đạt 522.725.782 phiếu, tương được 45,76% tổng số phiếu biểu quyết và đồng nghĩa với việc không đủ số phiếu cho vị trí thành viên HĐQT độc lập. Tuy nhiên sau đó ban kiểm phiếu cập nhập số liệu thì tỷ lệ của ông Quốc là 58,11%.

Theo thông tin được phản hồi từ phía cổ đông giám sát quá trình bỏ phiếu, vào thời điểm khoảng 15h35 phút ngày 15.12, kết quả ban đầu do ban kiểm phiếu in ra ghi rõ ông Lê Minh Quốc chỉ được 522.725.782 phiếu bầu, đạt tỉ lệ 45,76%.

“Tuy nhiên sau đó có hai cổ đông xông vào phòng kiểm phiếu, một người tự xưng là ông Cao Xuân Ninh, người còn lại là cổ đông tên Thúy. Ông Ninh cho biết rằng do không nắm rõ cách thức bầu cử nên đã bỏ trống phiếu bầu. Sau đó, dưới sự chứng kiến của tôi cùng nhiều người khác, ông Ninh đã đánh dấu vào ô trống để bầu toàn bộ số cổ phiếu mà ông nắm giữ tại Eximbank cho ông Lê Minh Quốc. Sau đó, ban kiểm phiếu đã in lại 1 biên bản kết quả kiểm phiếu khác với nội dung thay đổi số liệu của ông Lê Minh Quốc từ 45,76% lên hơn 58%” - cổ đông giám sát nói với báo Lao động.

Sau đó 1 ngày, 16/12, HĐQT mới đã họp và quyết định bầu ông Lê Minh Quốc – TV HĐQT độc lập, người không nắm giữ cổ phần Eximbank vào vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Ông Lê Minh Quốc đứng ngoài cùng bên phải

Lý lịch ông Lê Minh Quốc sau đó được công bố rộng rãi. Ông sinh năm 1951 tại TP HCM, mang hai quốc tịch Việt Nam và Canada, có trình độ là Cử nhân Quản trị ki doanh tại Thụy Sĩ. Ông Quốc từng là Phó tổng giám đốc, Phó trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng Phương Đông (OCB), Phó chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc,

Ông cũng từng là Tổng giám đốc BNP Paribas Việt Nam; Giám đốc điều hành BNP Paribas Đài Loan; Giám đốc phụ trách Tài trợ thương mại vùng Châu Á, Úc và Ấn Độ, ngân hàng BNP Paribas Singapore; Giám đốc phụ trách Tài trợ thương mại vùng Châu Á, Úc và Ấn Độ, ngân hàng Banque Nationale de Paris, Pháp; Phó tổng giám đốc ngân hàng BNP Canada, Canada.

Vậy tại sao ông Quốc được lựa chọn?

Nếu theo lý lẽ thông thường, chủ tịch HĐQT ít ra phải là cổ đông của ngân hàng nhằm gắn bó quyền lợi với tổ chức. Tuy nhiên, trước khi ông Quốc trở thành chủ tịch Eximbank thì ngân hàng đã có “truyền thống” dùng người ngoài. Ông Kiều Hữu Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Eximbank cũng là người không nắm giữ cổ phần của ngân hàng.

Truyền thống lựa chọn này của Eximbank theo nhận định của một số chuyên gia xuất phát từ sự cân bằng lợi ích của các nhóm cổ đông. Là một NHTM lớn, cơ cấu cổ đông đa dạng, với sự xuất hiện của các nhóm cổ đông lớn có tiếng nói nhất định khiến cho vị trí chủ tịch HĐQT của Eximbank chịu nhiều áp lực. Nếu chủ tịch HĐQT thuộc một nhóm cổ đông nào đó thì sẽ có thể đưa ra quyết định thiếu công bằng hoặc cũng không được cổ đông khác ủng hộ. Do đó, lựa chọn “người ngoài”, không chịu lợi ích là giải pháp khá toàn vẹn.

Câu chuyện của ông Lê Minh Quốc tại Eximbank hiện tại cũng giống như trường hợp của ông Kiều Hữu Dũng tại Sacombank. Năm ngoái, ông Dũng được bầu làm Phó chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng quản trị độc lập Sacombank, trong kỳ họp Đại hội cổ đông đánh dấu sự xáo trộn mạnh trong cơ cấu nhân sự chủ chốt Sacombank với sự tham gia của đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam và gia đình ông Trầm Bê.

Tuy nhiên, chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập không phải không có bất lợi. Giả sử khi có sự mâu thuẫn của các TV HĐQT, giữa các nhóm cổ đông thì xu hướng giải quyết có phần thỏa hiệp, dung hòa. Hơn nữa, việc thiếu gắn bó lợi ích không duy trì được mối quan hệ lâu dài, bền vững cũng như đảm bảo các quyết định đem lại lợi ích cao nhất cho tổ chức, cổ đông ngân hàng.

Được hay mất, đúng hay sai cần thời gian để có câu trả lời chính xác. Nhưng chắc chắn áp lực đối với ông Quốc rất nặng nề. Có lẽ ông sẽ sớm cảm nhận được áp lực đó khi chỉ vài tháng nữa Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên.