Các nước mới nổi đua nhau bảo vệ đồng tiền sau quyết định của Fed

Các nước mới nổi đua nhau bảo vệ đồng tiền sau quyết định của Fed

(NDH) Tờ nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho biết, ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách ngày 16/12, một loạt ngân hàng trung ương tại những thị trường mới nổi đã có động thái bảo vệ đồng tiền của mình.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/12 đã ký quyết định yêu cầu các tổ chức tài chính giảm lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%, có hiệu lực từ ngày 18/12. Động thái này là nhằm hạn chế việc găm giữ đồng bạc xanh vốn đã tăng mạnh trước khi Fed tăng lãi suất.

Tại Mỹ Latinh, lãi suất các đồng tiền cũng đang tăng lên sau quyết định của Fed. Ngày 17/12, Ngân hàng trung ương Mexico đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản giống như Fed đã thực hiện ngày trước đó, đưa lãi suất chính sách tại Mexico lên 3,25%. Lãi suất tại Mỹ và Mexico có xu hướng song hành với nhau do mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước láng giềng này. Với việc các nhà hoạch định chính sách của Fed dự tính sẽ tăng lãi suất vài lần trong năm tới, nhiều người cũng cho rằng Mexico sẽ có các bước đi tương tự.

Ngân hàng trung ương Colombia cũng nâng lãi suất chính sách hôm 18/12, một ngày sau khi Chile có hành động tương tự. Lạm phát ở Colombia đã vượt xa mục tiêu của ngân hàng trung ương, nên nếu đồng Peso yếu đi hơn nữa có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Cũng có đồn đoán rằng Brazil sẽ tăng lãi suất.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngân hàng trung ương nước này dự kiến cũng sẽ xem xét lựa chọn này trong cuộc họp vào ngày 22/12.

Các ngân hàng trung ương của Arập Xêut, Cô-oet, UAE, Hồng Kông và những nước khác neo đồng tiền vào USD đã ngay lập tức tăng lãi suất gấp 2 lần mức của Fed. Do nguồn thu từ xăng dầu giảm tạo ra lỗ hổng trong ngân sách, nên các quốc gia vùng Vịnh đang phải đối mặt với nhiều khả năng phải phá giá đồng tiền của mình.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng việc Ảrập Xêut, Cô-oet và Bahrain tăng lãi suất "đang phản ánh cam kết đối với việc neo tỷ giá hối đoái của họ".

Điều đó có nghĩa là việc thắt chặt nhẹ điều kiện tín dụng này được coi là tác động đến nền kinh tế của các quốc gia này ít hơn so với việc giá dầu sụt giảm.

Đồng tiền tại các thị trường mới nổi Châu Á đã rớt giá mạnh trước khi Fed tăng lãi suất. Một số ít đồng tiền, như đồng Ringgit của Indonesia và đồng Rupee của Ấn Độ, đã thực sự hồi phục phần nào so với đồng USD kể từ khi đó.

Những lo ngại về sự mất giá đồng tiền đã được xoa dịu khi Fed cam đoan rằng họ sẽ tăng lãi suất từ từ. Ngân hàng trung ương Indonesia đang dự định sẽ cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, một khi những đợt tăng lãi suất tiềm tàng này của Fed đến gần, đồng tiền của các thị trường mới nổi có thể sẽ lại phải chịu áp lực mới. Các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử là nên tập trung vào ổn định đồng tiền hay kích thích tiền tệ.