Bùng nổ ngân hàng số

Bùng nổ ngân hàng số

Hệ thống ngân hàng số với khả năng giao dịch nghiệp vụ ngân hàng thông qua mạng Internet được coi là hướng phát triển trọng tâm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới trong vài năm trở lại đây.

Các dịch vụ của ngân hàng số tại Việt Nam đã có nhiều bước phát triển nhảy vọt, đáp ứng nhu cầu của người dân. (Ảnh: HỮU LINH)

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở cửa, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” này, nhưng điều này cũng đòi hỏi các ngân hàng phải có hướng phát triển phù hợp.

Ngân hàng số sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí về giấy tờ, nhân lực, thời gian, thậm chí góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình “ngân hàng xanh”.

Yêu cầu từ thời cuộc

Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao và tăng trưởng nhanh qua từng năm, sự chấp nhận và dễ dàng tiếp cận công nghệ mới của thế hệ trẻ, sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, hành vi tiêu dùng, sử dụng dịch vụ trong dân chúng cũng đã thay đổi theo xu hướng phát triển của công nghệ. Hơn nữa, trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do và ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Cơ hội và thách thức từ những tác động trên đã mang đến cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam yêu cầu bức thiết phải từng bước hiện đại hóa, tái cơ cấu để phát triển bền vững. Theo TS. Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, việc mở cửa thị trường ngân hàng, tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nước ngoài với tiềm lực mạnh mẽ về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm. Điều này đã và đang tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Do đó, các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam cũng phải ngày càng đa dạng hơn với những phương thức mới, hiện đại, tiện lợi dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới phát triển ngân hàng số.

Bên cạnh đó, đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng thời gian qua đã đặt ra 4 mục tiêu: lành mạnh hóa hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, cấu trúc lại cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng phải hòa nhập và có sức cạnh tranh với quốc tế. Do đó, việc tái cấu trúc sẽ được thực hiện qua 3 bước. Bước thứ nhất là tái cơ cấu thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng yếu kém thông qua hình thức hợp nhất, sáp nhập. Bước thứ hai là lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính. Bước thứ ba là tiến hành tái cấu trúc về tổ chức hoạt động, tái cơ cấu chiến lược, thiết kế lại hệ thống quản trị rủi ro ngân hàng.

Với những mục tiêu trên, có thể thấy, phương thức ngân hàng số đã đáp ứng được khá nhiều tiêu chí. Với việc cung cấp dịch vụ thông tin tài khoản, chuyển tiền, tiết kiệm, thanh toán với các nhà cung cấp dịch vụ thông qua Internet và điện thoại thông minh, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về độ tin cậy, rõ ràng do tất cả đã được máy móc điều khiển. Hơn nữa, ngân hàng số sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí về giấy tờ, nhân lực, thời gian, thậm chí góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình “ngân hàng xanh”. Với ngân hàng số, mọi thông tin giao dịch đều được minh bạch nên sẽ giảm bớt tình trạng ngân hàng che giấu nợ xấu, góp phần hỗ trợ phân loại ngân hàng. Đặc biệt, với khoa học công nghệ tiên tiến như hiện nay, mọi giao dịch với thế giới cũng đều thuận tiện, nhanh chóng hơn, đáp ứng đúng yêu cầu về hội nhập.

Nỗ lực thay đổi

Từ những nhu cầu bức thiết như trên, các ngân hàng tại Việt Nam đã nỗ lực để phát triển dịch vụ ngân hàng số trên mọi loại hình, lĩnh vực. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, hầu hết ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking, Ví điện tử… Trong các năm qua, lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh, đến cuối tháng 9-2015, số lượng thẻ phát hành đã đạt 96,2 triệu thẻ (tăng trên 210% so với đầu năm 2011). Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến; đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ, chú trọng tăng độ an toàn của thẻ ngân hàng.

Đặc biệt, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, với dịch vụ Internet Banking, đến nay, có trên 60 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và trên 30 tổ chức cung ứng qua điện thoại di động. Vụ Thanh toán -Ngân hàng Nhà nước đã tập trung phát triển thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ (POS) trên thiết bị di động (mPOS), ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, dễ sử dụng. Do đó, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 đến nay còn khoảng 12%.

Chia sẻ về hướng phát triển của ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, hiện VietinBank đang tích cực đầu tư và triển khai hệ thống ngân hàng số, ngân hàng điện tử. Tới thời điểm này, VietinBank tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ qua điện thoại thông minh với các ứng dụng giao dịch được hầu hết dịch vụ nghiệp vụ ngân hàng một cách thuận tiện.

Tiêu biểu nhất là việc VietinBank đang triển khai tiện ích QR Pay- công nghệ chuyển tiền bằng mã vạch (QR Code) trên nền ứng dụng iPay Mobile dành cho thiết bị di động thông minh. Ứng dụng iPay Mobile được VietinBank nghiên cứu và phát triển cuối năm 2013, hứa hẹn sẽ trở thành một chi nhánh ngân hàng trực tuyến của VietinBank trong tương lai. Theo ông Lân, những ứng dụng này nhằm tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ sẵn có và ưu thế của thiết bị di động cá nhân để giúp người dùng chuyển tiền nhanh chóng, giảm sai sót trong quá trình thao tác và bảo mật tuyệt đối thông tin tài khoản cá nhân.

Cũng hướng đến phát triển ứng dụng ngân hàng số, mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) đã giới thiệu phiên bản ứng dụng E-Bank 6.0 có thể chạy trên mọi thiết bị. Bên cạnh đó, TPBank cũng ra mắt giao diện website mới với nhiều tiện ích khi khách hàng giao dịch như: Tích hợp chức năng phân tích, tư vấn tài chính thông minh, tích hợp công cụ tính toán giúp khách hàng dễ dàng tính toán lãi…

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, trong năm 2016, TPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng hỗ trợ các hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt. Trong chiến lược dài hạn, TPBank chuyển hướng các kênh dịch vụ theo hướng phục vụ khách hàng mọi nơi, mọi lúc, mọi giao dịch qua các hình thức như: Điện thoại, website của ngân hàng, thậm chí qua mạng xã hội. Đồng thời, TPBank cũng đang nghiên cứu một số giải pháp thanh toán không chạm để tích hợp nhằm đáp ứng xu thế thanh toán và nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Nhìn chung, Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu đánh giá là một trong các quốc gia rất tiềm năng để phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại và hướng đến “số hóa ngân hàng”. Dù vậy, ngân hàng số không chỉ giới hạn ở việc triển khai Internet Banking hay Mobile Banking, nhiều chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng, các ngân hàng cần có chiến lược quản lý đa kênh để cung cấp các sản phẩm dịch vụ hướng về trải nghiệm của khách hàng, tái cấu trúc chi nhánh và triển khai dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình ngân hàng nào cũng tiềm ẩn những rủi ro, trong đó đặc biệt cần chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, việc hội nhập cũng sẽ mang đến cho ngành ngân hàng sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty, tổ chức tín dụng quốc tế cùng các điều khoản được ký kết trong các FTA.