Một DN chuyên xuất khẩu sắn lát (không muốn nêu tên vì đang có nợ xấu) cho biết, điều "đau khổ" đối với hoạt động kinh doanh của Cty năm nay, là việc các NH áp dụng chỉ thị 02 (Chỉ thị 02CT-NHNN ngày 27/1/2015, trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phân loại nợ theo Thông tư 02/2013 và Thông tư 09/2014, Thông tư 36/2014 đã được NHNN ban hành trước đó - PV), khiến Cty này hết đường xoay… tín dụng.
Xoay xở với "chuẩn" phân loại nợ mới
Theo vị DN Cty xuất khẩu sắn lát, "truyền thống" duy trì cấu trúc vốn của Cty xưa nay, là gần như 100% gắn bó với tín dụng, ngoài khoản tự có và lợi nhuận để dành tái đầu tư mỗi năm. Vì vậy mà Cty có tài khoản và quan hệ vay tín dụng chặt chẽ với không dưới 3 NH. Có những thời điểm Cty cần gom nhiều hàng để chế biến, xuất đi nhiều theo đặt hàng trước của đối tác mà tiền lưu động Cty chưa được bổ sung thêm từ khoản thu được của các hợp đồng đã xong, cũng chưa kịp kí hợp đồng mới, mở L/C, nhưng Cty vẫn có 2 - 3 NH "thân" sẵn sàng cho vay. "Vào những thời điểm như vậy chỉ cần tổng huy động tín dụng dồn góp là dư sức cho Cty có một nguồn vốn dồi dào để mua hàng thanh toán ngay. Bù lại, có những thời điểm các chi nhánh NH đến kì phải kiểm kê, báo cáo tổng vốn huy động được, Cty cũng sẵn sàng dồn tiền về, cho NH "mượn tạm" dăm ba hôm để NH có "thành tích" báo cáo. Việc các NH áp dụng chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu và quy định phải tham chiếu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) đã khiến Cty rơi vào trường hợp chỉ cần có một khoản nợ quá hạn thì tất cả đều sẽ thành nợ xấu. Các chỗ thân nay cũng trở nên "chậm" thông qua hồ sơ vay, mọi thứ đều rất khó khăn", vị này nói.
Tình trạng của DN nói trên cũng là tình trạng của không ít Cty trong nền kinh tế hiện nay. Thậm chí, có rất nhiều DN xuất khẩu quy mô nhỏ nhưng cũng luôn là đối tượng được các NH ưu ái tín dụng, nay cũng không dễ để vay mượn cấp thời hoặc dài hạn từ NH, nếu chưa "làm sạch" dù chỉ là một khoản nợ quá hạn. Điều này đã trực tiếp gia tăng nợ xấu trong những tháng đầu năm 2015, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết.
"Con voi chui lọt lỗ kim"?
Gỗ Trường Thành có thể xem là điển hình về đa dạng phương thức "hóa giải" nợ xấu. Cụ thể nợ, nợ quá hạn, nợ xấu của Gỗ Trường Thành được xử lí với 3 nhóm: Một nhóm chọn bán nợ cho DATC như VCB, MBB và đã bán xong, ngoài ra có BIDV, Sacombank, PVcomBank cũng đang tiến hành bán nợ; Một nhóm chuyển nợ thành vốn góp như VIB (thực hiện chuyển 40 tỷ đồng nợ thành 4 triệu cổ phiếu) và một nhóm cơ cấu lại nợ như KienLongBank (đã tất toán 100 tỷ đồng dư nợ tại Cty mẹ thông qua hình thức chuyển 40 tỷ đồng thành nợ trung hạn 3 năm và 60 tỷ đồng thành nợ ngắn hạn qua Cty con là CTCP Chế biến gỗ Trường Thành) SHB cũng đã phê duyệt chuyển 80 tỷ đồng nợ vay sang nợ trung hạn 3 năm… Tổng cộng 8 TCTD có quan hệ tín dụng với Gỗ Trường Thành đã có nhiều đơn vị chuyển hóa thành một quan hệ khác trên nền tảng xử lí, giúp Gỗ Trường Thành thoát "án" nợ xấu một cách tích cực.
Nói tích cực là bởi các hoạt động này đều nằm trong khung khổ pháp lí quy định và được NHNN khuyến khích. Nhưng sau tháng 4/2015, khi các NH không còn được phép cơ cấu kì hạn nợ lại cho DN nữa, giải pháp còn lại để "lách" nợ xấu, nợ quá hạn của DN và NH chỉ còn là bán nợ cho VAMC hoặc DATC, hoặc chuyển thành vốn góp và trái phiếu đầu tư. Rủi ro phân tích ở trên không phải là không có. Và rủi ro lớn nhất cho hệ thống là liệu các NH kiểm soát chặt khâu thẩm định chất lượng DN để thực thi hợp thức hóa các khoản cho vay bằng trái phiếu tới đâu. Chỉ cần khâu thẩm định chất lượng lơi lỏng, trong khi cơ quan quản lí cũng không thể nắm rõ được số nợ xấu đã được chuyển hóa qua cách thức này, thì khó tránh "Con voi chui lọt lỗ kim" - nợ xấu to chình ình trong hệ thống vẫn biến thành… nợ đẹp!
Một yếu tố khác khó trách các NH sao vẫn "mặn mà" hỗ trợ DN thoát án nợ xấu, là bởi họ cũng đang giúp chính mình. Trong khi trái phiếu Chính phủ ngày càng có nguy cơ khó gọi thầu vì lợi suất thấp và đặc biệt các NH cũng bị hạn chế "room" mua, việc chọn giải pháp chuyển hóa khoản nợ quá hạn, khi không còn được giữ nguyên không chuyển nhóm sau khi Quyết định 780/QĐ-NHNN và thời hạn chấm dứt gia hạn các NH được cơ cấu (trong Thông Tư 09) đã hết hiệu lực, chính là một giải pháp phần nào có lợi cho các NH. TGĐ một NH cho biết trong tình huống này, đặc biệt đối với những khách hàng đã đi cùng NH khá nhiều năm mà tài sản thế chấp của họ tại NH, thay vì chuyển thành nợ xấu để bán cho VAMC và chờ VAMC tìm được giải pháp xử lí khoản nợ đó trong kho nợ đang đắp chiếu, thì chỉ một thao tác "đầu tư" như vậy (cùng những thủ thuật khác trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ …), NH sẽ "cứu" được DN, có hy vọng cùng DN "nuôi nợ". NH cũng theo đó "ghìm" được tỷ lệ nợ xấu không tăng quá nhanh.
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn và tích cực, ông Lê Thành Trung, Phó TGĐ NH HDBank, cho rằng các NH đã bán nợ cho VAMC, tạm thời làm sạch bảng cân đối đồng thời thắt lưng buộc bụng, bớt ăn tiêu để xử lý nợ xấu. Nhưng không phải bán cho VAMC là xong mà phải làm sao giải quyết cục nợ này. Bởi đó là gánh nặng vẫn còn đeo trên vai NH. Theo đề xuất của ông Lê Thành Trung, nhìn tổng quan là cần phải đặt trên nền tảng xác định số liệu nợ xấu tiềm ẩn bên dưới các con số có tính sổ sách thống kê. NHNN sẽ thực thi trách nhiệm này?