Ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Như hai năm trước, một lần nữa nguồn tiền để xử lý nợ xấu trở thành vấn đề thời sự. Liệu Việt Nam có phải dùng đến ngân sách, có phải đi vay nước ngoài, hay tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế?
Trao đổi với VnEconomy về câu hỏi trên, ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đặt ra các tình huống, so sánh những bước đi của một số quốc gia khác có nhiều điểm tương đồng.
Theo ông Âu, xét trong khoảng 20 năm trở lại đây, những khó khăn trong xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay có nhiều điểm có thể liên hệ với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và năm 2008 tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc liên hệ với Mỹ có phần hơi xa xôi do có những đặc điểm thị trường quá khác biệt. Mối liên hệ với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 phù hợp hơn, vì có nhiều điểm tương đồng.
Giẫm lại vết xe đổ
Những điểm tương đồng đó là gì, thưa ông?
Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân các cuộc khủng hoảng. Tại thời điểm xảy ra, các quốc gia đều đã đạt được một tốc độ phát triển nhất định, nhiều quốc gia được mệnh danh là “con hổ châu Á”, với mức độ tập trung và bùng nổ của một số hạt nhân.
Chính do sự tăng trưởng quá nóng, có phần dễ dãi nhưng thiếu khả năng kiểm soát phù hợp của các nhân tố hạt nhân kể trên là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng.
Điển hình như Hàn Quốc lúc đó là các chaebol, tức là các ông lớn tương đương kiểu Việt Nam là các tập đoàn. Một thời gian dài họ tập trung cho “những quả đấm sắt” này, các chaebol được cung cấp các khoản vay quy mô lớn được bảo lãnh của chính phủ, hầu hết đều vay vượt quá quy mô vốn chủ sở hữu của mình. Khi các chaebol phát triển nguồn lực vượt quá năng lực thì đó là lúc tạo ra tính không hiệu quả và gây rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.
Hay tại Thái Lan là sự bùng nổ của tín dụng cá nhân, giá bất động sản leo thang tạo nên sự phát triển nóng của nền kinh tế. Các ngân hàng bơm tiền ra theo sự phát triển nóng đó, chứ ngân hàng không hẳn là nhân tố chính tạo nên nó, mà theo cái vòng tròn càng phát triển nhu cầu tín dụng càng cao.
Tương tự, Malaysia, liên quan là bất động sản và tiêu dùng, trong tiêu dùng chủ yếu là ngành công nghiệp ôtô. Chính phủ muốn thúc đẩy ngành công nghiệp này nên thông qua tài trợ cá nhân, như cho vay tiêu dùng. Cùng đó là chứng khoán Malaysia tăng trưởng mạnh. Phần lớn tín dụng khi đó đẩy mạnh vào chứng khoán, tiêu dùng ôtô và có một phần bất động sản nữa.
Vấn đề chung cốt lõi của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 là bản chất phát triển nóng của nền kinh tế tạo sức ép buộc các ngân hàng phải đẩy tín dụng ra. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng quá nóng mà chất lượng không được kiểm soát đúng mức, hay vượt quá sức hấp thụ của nền kinh tế, thì chỉ cần một ngòi nổ nhỏ như về tỷ giá hối đoái, hay sự đảo chiều của dòng vốn, sẽ dễ vỡ ra khủng hoảng.
Còn với Việt Nam hiện nay thì sao?
Chúng ta cũng từng tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt mức cao những năm trước, tập trung vào phát triển các tập đoàn lớn và kinh tế tư nhân. Đó là định hướng đúng, nhưng quá trình sử dụng nguồn vốn và quá trình các ngân hàng bơm vốn ra, cả hai đều giẫm lại vết xe đổ của cuộc khủng hoảng châu Á 1997. Bởi “bong bong bất động sản, chứng khoán” bị thổi phồng quá mức do hiệu ứng của nền kinh tế, còn tín dụng cũng đổ dồn vào các kênh đầu tư này và có phần dễ dãi, dẫn đến hệ quả nợ xấu hiện nay.
Tuy nhiên, dường như vấn đề nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa phải ở mức độ khủng hoảng như những gì mà các quốc gia bạn từng phải đối mặt. Đơn cử như tỷ lệ nợ xấu tại tại Indonesia từng lên tới 60%, Thái Lan 50%, Hàn Quốc cũng khoảng 20-30%... thời điểm đó.
Vì vậy có thể nói rằng, khả năng vượt qua khủng hoảng của Việt Nam, nhất là trong điều kiện nếu chúng ta biết vận dụng đúng lúc, đúng thời điểm và phù hợp những bài học kinh nghiệm đắt giá của các quốc gia bạn, là không phải không phải không có cơ sở.
Bài học kinh nghiệm của họ là gì, thưa ông, cụ thể trong xử lý nợ xấu?
Nếu so sánh nợ xấu giống như một “cơn bệnh”, thì tôi có thể đưa ra một so sánh thế này cho dễ hình dung. Để vượt qua khủng hoảng hay nói cách khác để điều trị ngăn cơn bệnh lây lan, các quốc gia đưa ra gói tái cơ cấu để loại bỏ những cái xấu, loại bỏ những tế bào ung thư, chỉ giữ lại những tế bào mạnh khỏe và tốt để chống đỡ thị trường.
Họ cùng thành lập các công ty mua bán nợ. Nhưng câu hỏi đặt ra là công ty mua bán nợ mua bằng cái gì, người bán có sẵn sàng bán hay không? Tất cả các bài học đều cho thấy, có hai khu vực công và tư nhân, nhưng bên tư nhân không muốn bán. Vì bán nợ xấu là tự cắt thịt mình, mất quyền kiểm soát và lợi ích ở đó. Cho nên có sự kháng cự cao, bắt buộc chính phủ phải thành lập việc mua này là từ khu vực công, tạo sức ép để mua lại.
Giống như Việt Nam là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), ép các ngân hàng phải bán. Mình học đúng bài học đó.
Mỗi quốc gia có một lựa chọn
Nhưng vấn đề là, tiền đâu để mua và xử lý nợ xấu?
Các quốc gia trên đều phát hành trái phiếu, giống như mình là cho thêm thời gian để xử lý. Nhưng với thị trường, xử lý nợ xấu phải có tiền thật. Mình có mua 5 năm qua VAMC mà không xử lý thì nó vẫn nằm đó.
Tương tự như các quốc gia bạn, Việt Nam cũng cần có một nguồn tiền đẩy vào để tái cấu trúc các ngân hàng, một nguồn tiền đi vào để xử lý nợ xấu. Đây là một vấn đề cần cân nhắc hết sức thận trọng. Vì mỗi một giải pháp đều dẫn đến những thay đổi trọng yếu của nền kinh tế và có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Trung ương.
Thái Lan khi đó buộc phải nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bơm vốn hỗ trợ. IMF đòi hỏi Thái Lan phải quốc hữu hóa các ngân hàng tư nhân, chủ yếu là để giữ trận, khống chế những bất cập ở đây để cơ cấu lại, làm cho nó tốt lên để sau 3-5 năm bán lại. Nhưng bán lại cho ai? Cho các ngân hàng nước ngoài. Nó lại dẫn đến chuyện luật sở hữu. Trước đó tại Thái Lan cũng có giới hạn nước ngoài không được sở hữu quá 30% vốn ngân hàng nội địa, sau đó thì phải mở, tới 100%.
Đó là một dạng thay đổi cả pháp lý, chính trị, mà nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước.
Hàn Quốc thì phát hành trái phiếu vay nước ngoài. Vì định mức tín nhiệm quốc gia tốt, lãi suất huy động thuận lợi, nên họ thu hút được nguồn vốn bên ngoài vào. Thêm nữa, họ bán được và lấy tiền thật từ công ty của Mỹ. Nhưng nếu phát hành trái phiếu thì lại phải đối mặt với vấn đề khác là gánh nặng nợ công. Giải pháp này được coi là một giải pháp đánh đổi tương lai trung, dài hạn để giải quyết cái ngắn hạn.
Malaysia thì kiên quyết không nhờ IMF hỗ trợ, vì họ giữ chủ quyền. Họ lấy nguồn vốn từ xã hội, từ các quỹ bảo hiểm xã hội. Muốn sử dụng nguồn vốn xã hội thì họ phải đánh đổi về mặt chính trị. Vì có câu hỏi, tương tự như ở ta, sao lại lấy nguồn lực xã hội, lấy tiền thuế của dân đi cứu mấy ông đại gia? Dư luận xã hội ở các quốc gia và sự chống đối các đảng ở những quốc gia đa đảng, tạo sức ép vô cùng lớn cho chính phủ.
Ngoài ra, bên cạnh các nỗ lực và giải pháp của các quốc gia trên, thời điểm đó đã xuất hiện một “ông Bụt”. Đó là Nhật Bản. Nhật hỗ trợ nguồn vốn để tái cơ cấu, nhưng yêu cầu là phải ưu tiên để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp hơn.
Nhìn lại, như Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa trả lời chất vấn Quốc hội, nợ xấu là vấn đề chung, các quốc gia xử lý đều phải đánh đổi một tỷ lệ phần trăm GDP nhất định, như Thái Lan là 8%, Indonesia là 30%...
Cũng vì áp lực dư luận xã hội “lấy tiền thuế của dân đi cứu ngân hàng”, nên Việt Nam vẫn chủ yếu là xử lý kỹ thuật và nội bộ chứ chưa có tiền tươi để xử lý nợ xấu…
Như trên, mỗi quốc gia có một lựa chọn khác nhau. Với Việt Nam, việc thành lập VAMC tôi nghĩ là “đúng bài”, ép bán nợ xấu, phát hành trái phiếu mua nợ. Về mặt kỹ thuật, biện pháp này giúp làm sạch bảng cân đối, còn ngân hàng đường nào cũng là nợ xấu rồi.
Một số quốc gia họ cũng dùng kỹ thuật để xử lý, như Malaysia họ thay đổi luôn định nghĩa nợ xấu, như nợ xấu là 90 ngày nhưng họ xác định là 180 ngày. Thế thì ngay lập tức tỷ lệ nợ xấu nó giảm xuống.
Đó không phải là chống chế, mà tùy từng bối cảnh và tình thế mỗi quốc gia được quyền làm điều đó. Nhưng khi IMF vào Thái Lan, họ không cho làm thế. 90 ngày là 90 ngày, vì ông phải giữ uy tín với thế giới, phải minh bạch.
Với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo được sự minh bạch về nợ xấu. Khi xử lý nợ xấu thì nợ xấu càng tăng, chính là xuất phát yêu cầu phải minh bạch hóa con số nợ xấu. Phải minh bạch hóa để còn biết mà chữa bệnh chứ, để định liều lượng mà chữa.
Khi không nhờ IMF hay WB hỗ trợ, không phát hành trái phiếu vay nước ngoài, quan ngại nhà đầu tư ngoại vào mua nợ xấu và “mất” tài sản giá rẻ, lại không có “ông Bụt” nào… Dường như nguồn tiền để xử lý nợ xấu của Việt Nam đang bế tắc?
Vay vốn nước ngoài được một số ý kiến đề cập đến trở ngại là trần nợ công. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề là sử dụng nguồn vay nợ đó như thế nào để tạo hiệu quả, tạo giá trị gia tăng.
Còn về mặt ngân sách nhà nước, chắc chắn chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết để tập trung vào những điểm mạnh, những điểm cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế.
Trên thế giới, mâu thuẫn trong chuyện này là thường xuyên xẩy ra. Vì anh tập trung cho kinh tế thì giảm có thể cho y tế, giáo dục, phúc lợi… Vậy Việt Nam ưu tiên cái gì? Đó lại là câu chuyện khác.
Còn IMF và WB, từ trước đến giờ, họ vào họ yêu cầu điểm tưởng như dễ nhất nhưng lại khó nhất là minh bạch, tạo sự phát triển công bằng giữa khu vực tư và công. Tôi nghĩ họ cũng không ràng buộc và đánh đổi về chính trị.
Gọi vốn nhà đầu tư nước ngoài, lại vướng pháp lý. Đó là làm sao để xử lý việc cho phép họ sở hữu bất động sản. Bởi khoảng 80% tài sản thế chấp, nằm trong nợ xấu là bất động sản. Cái này thì cũng nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước.
Nút thắt chính là môi trường pháp lý
Vậy, xem ra nguồn tiền để xử lý nợ xấu rất khó…?
Không hẳn. Như so sánh ở trên, nợ xấu của Việt Nam chưa đến mức khủng hoảng để đi xin hỗ trợ nào đó. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, chúng ta vẫn đã và đang dùng nội lực để xử lý ba năm qua. Các ngân hàng vẫn đang dùng nguồn dự phòng để xử lý đó thôi.
Nhưng quỹ dự phòng dù sao cũng không giúp giải quyết dứt điểm vấn để. Nói một cách hình ảnh thì chẳng qua là các ngân hàng đang phải xẻ chỗ này để đắp sang chỗ khác mà thôi.
Nhưng, để có nguồn lực thực sự mạnh, có sức thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh, theo tôi là lực lượng tư nhân. Hãy đánh thức họ! Tôi nghĩ Việt Nam có một lực lượng tư nhân lớn, có nguồn tiền mạnh và sạch. Hẳn họ cũng muốn tham gia vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích kinh doanh chứ.
Nhưng vì sao hiện nay chưa “đánh thức” được họ, thưa ông?
Lực lượng tư nhân rất giỏi, nhưng hẳn họ còn quan ngại. Tôi cho rằng nút thắt ở đây cần tập trung xử lý là môi trường pháp lý. Hệ thống pháp lý của ta chưa đủ mạnh để bao trùm những vấn đề mới pháp sinh, còn vấn đề muôn thủa là thủ tục hành chính.
Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ đơn vị kinh tế nào khi muốn tham gia vào một hoạt động đều mong muốn hành lang pháp lý được hoàn chỉnh, minh bạch. Cụ thể, nếu hôm nay mong muốn khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn vào quá trình xử lý nợ xấu thì trước tiên phải trả lời đầy đủ cho họ những câu hỏi cơ bản nhất: ai (cá nhân/đơn vị nào hướng dẫn, bảo vệ, hỗ trợ tôi); cái gì (tôi được cái gì, mất cái gì); cần làm gì và như thế nào?
Chứ đụng cái gì mà cứ phải xin - cho là họ sợ! Thủ tục hành chính càng nhiều, quá trình sẽ bị kéo dài ra và có thể sai về quyết định kinh tế và dẫn tới các thực thể tham gia vào quá trình đó có xu hướng phải sử dụng các công cụ khác để đẩy nhanh tiến trình đấy.
Rồi câu chuyện hình sự hóa... Không khó để nhận thấy vài năm trở lại đây các vụ án kinh tế đang có xu hướng bị hình sự hóa. Điều này quả thực gây ra rào cản tâm lý rất lớn. Vào tham gia xử lý, thất bại thì tôi chấp nhận và đứng dậy. Nhưng khi bị hình sự hóa thì câu chuyện khác hẳn. Đó cũng là mối quan ngại lớn.
Nói nôm na thì phải tạo ra cái chợ. Tôi muốn vào thì phải biết cái chợ đó là bình đẳng, nhanh nhạy để mua bán tốt, được bảo vệ và hỗ trợ, chứ không phải vào rồi kiểu gì anh cũng chết.
Chỉ riêng việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút lực lượng tư nhân tham gia đã khó khăn và có thể mất nhiều thời gian như vậy, trong khi nợ xấu thì vẫn cứ tăng…
Tất nhiên nếu đạt mục tiêu quá xa vời và quá rộng thì độ khả thi không cao. Cá nhân tôi cũng không cho rằng việc thay đổi cả một hệ thống để đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, Chính phủ hoàn toàn có thể khoanh vùng từng lĩnh vực để làm, có thể sàng lọc phát hiện những cái tốt để xử lý trước chứ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng bản thân trong khối nợ xấu hiện nay vẫn có những điển hình để tái cơ cấu, vẫn có thể chọn ra để bán được trong thời điểm này. Cơ sở pháp luật vẫn có để hoàn toàn đảm bảo cho những phạm vi nhỏ, rồi mở rộng ra.
Phải làm luôn chứ không đợi được, bởi nhiều khoản nợ xấu nếu xử lý được ngay thì sẽ tốt nhanh, nhưng nếu cứ để đấy 5-10 năm nữa thì chết hẳn, nợ đã xấu thì khó mà đợi được.