Nợ xấu tăng do DN gặp khó
Con số nợ xấu luôn gia tăng những tháng gần đây và cao hơn cuối năm 2013. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5 và mức 3,61% cuối năm 2013. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã xử lý được tổng số nợ xấu khoảng 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản bảo đảm của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.
Lý giải tình trạng này, lãnh đạo NHNN phân tích, nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn nên tới hạn trả nợ nhiều DN đã không có khả năng trả, dẫn đến số nợ xấu tăng lên. Bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư 09/2014/TT-NHNN về việc phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ đã yêu cầu các TCTD phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn.
“Theo quy định cũ, TCTD chỉ đánh giá nợ xấu tính trên dư nợ cho vay, nhưng theo quy định mới thì cả khoản đầu tư vào trái phiếu DN cũng phải xếp hạng nợ, vì thế nợ xấu mới gia tăng”- bà Hồng nhấn mạnh.
Được biết, từ tháng 10/2013 đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua khoảng 55.000 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến hết năm 2014 sẽ đạt 70.000-100.000 tỷ đồng. Con số này chưa thấm vào đâu so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, bà Hồng đánh giá, VAMC không phải là “cây đũa thần”, hơn nữa do ngân sách cấp vốn cho VAMC có hạn nên việc xử lý nợ xấu qua công ty này cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp.
Giải pháp “hãm phanh” nợ xấuChia sẻ thêm về việc xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC- cho hay: VAMC phải xem xét chất lượng các khoản nợ đủ điều kiện mới mua nợ. VAMC không phải chỉ mua nợ xấu để bán mà còn phân tích, đánh giá khách hàng nào có thể cơ cấu được thì hỗ trợ. “Vừa qua, có DN được vay vốn và hoạt động có hiệu quả, nhưng cũng có DN không có khả năng phục hồi, thì cần phải xử lý vì càng để lâu càng thiệt hại nặng”- ông Hùng khẳng định.
Được biết, một trong những hoạt động của VAMC là tiến hành phát mãi tài sản thông qua đấu giá. Tuy nhiên, theo ông Hùng, hình thức này không mấy thành công, thậm chí công ty đã đấu giá lần thứ 3 mà chưa đạt kết quả và ủy quyền cho TCTD đấu giá tới lần thứ 5, thứ 7 nhưng cũng không thành công. Nguyên nhân chính do thị trường khó khăn nên giá phát mại tài sản dù có thấp hơn theo giá thị trường cũng không bán được.
Theo ý kiến ông Hùng, không nên đặt vấn đề cứ mua nợ xấu là bán ngay, mà cần tạo điều kiện để DN duy trì sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Có chuyên gia đánh giá việc xử lý nợ xấu của VAMC chỉ là “mua thời gian”, nhưng theo ông, việc mua thời gian này là cần thiết để cơ cấu lại TCTD và các DN.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, NHNN còn chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc tại Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
>>> Không được trực tiếp sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu
Theo Duy Minh