Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về con số này và cách hiểu cũng khác nhau.
Chủ lực VAMC
Còn nhớ trong cuộc họp Quốc hội năm trước, lần đầu tiên NHNN tiết lộ năm 2012 nợ xấu trong hệ thống NH khoảng 465.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 17% tổng dự nợ. Vậy mà đến thời điểm 30-9 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,93%.
Như vậy NHNN đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% đúng như cam kết của Thống đốc, một thành tích tích cực của hệ thống NH. Nhìn vào các con số báo cáo cơ bản, NHNN đã hoàn thành tốt các mục tiêu và thực hiện khá thành công những nội dung tại Đề án 254 về việc tái cấu trúc NH và xử lý nợ xấu.
Vậy nợ xấu đã được xử lý bằng cách nào? Theo người đứng đầu cơ quan thanh tra NH, trong vòng 3 năm nợ xấu đã được xử lý thông qua việc trích lập dự phòng, thu hồi nợ và qua VAMC. Trong đó vai trò của VAMC gần như là chủ lực khi có tới 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 TCTD với giá trị trái phiếu phát hành 191.335 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, VAMC đã phối hợp xử lý cùng các TCTD được 15.663 tỷ đồng, chiếm 7% trong con số đã mua về. Theo đánh giá của lãnh đạo VAMC, khoản nợ VAMC mua về khá an toàn, bởi hơn 191.000 tỷ đồng trái phiếu đã mua về số tài sản bảo đảm lên đến 330.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 70% là bất động sản. Do vậy, một khi thị trường bất động sản phục hồi như hiện nay việc thu hồi những khoản nợ này không mấy khó khăn.
Việc dùng VAMC để xử lý nợ xấu không dùng tiền mặt được xem là một "sáng kiến" được không ít chuyên gia và quan chức xem là một phương án phù hợp với "tính đặc thù" ở Việt Nam. Nhờ có VAMC mà hơn 225.000 tỷ đồng nợ xấu dễ dàng rút ra khỏi bản báo cáo tài chính của các NH, cũng nhờ VAMC mà việc đưa nợ xấu về 2,93% không mấy khó khăn.
Con số nợ xấu?
Số liệu nợ xấu của các NHTM công bố luôn ở một tỷ lệ rất thấp và ở mức khá lý tưởng. Tuy nhiên, con số này thường chỉ bằng một nửa so với con số của Thanh tra NHNN khảo sát, nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với con số nhiều chuyên gia tổ chức dự báo. Thực vậy, vào kỳ họp năm ngoái lần đầu tiên NHNN công khai con số nợ xấu của hệ thống NH vào thời điểm cao nhất (cuối năm 2012) khoảng 465.000 tỷ đồng, con số khá sát với khá nhiều dự báo trước đó.
Do vậy, việc Chánh thanh tra NHNH đưa ra con số 98% nợ xấu đã xử lý có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, nếu hiểu thông thường là gần như toàn bộ nợ xấu đã được xử lý và chỉ còn khoảng 2% nợ xấu chưa được xử lý. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là con số 98% tổng số nợ xấu đã được xử lý là tính tại thời điểm cuối năm 2012 hay cả giai đoạn vừa qua, bởi nợ xấu cần chốt thời điểm để tính mới chính xác.
Mặt khác, cách hiểu 98% nợ xấu đã xử lý thực chất là xử lý tương đương với bao nhiêu nợ xấu cũng khá mơ hồ. Bởi theo số liệu của NHNN, tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9-2015 khoảng 4,4 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,93%, tương đương 128.000 tỷ đồng.
Nếu hiểu một cách "máy móc", NHNN đã xử lý 98% nợ xấu, tức là số nợ xấu còn chỉ có 2% trong tổng số nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với việc số nợ xấu ban đầu phải là khoảng 6,4 triệu tỷ đồng (không thể xảy ra), khác với con số ban đầu là 465.000 tỷ đồng.
Còn nếu hiểu theo cách khác, 98% nợ xấu đã được xử lý vào thời điểm năm 2012 với tổng số nợ xấu 465.000 tỷ đồng, tương đương xử lý khoảng 455.000 tỷ đồng thì số nợ xấu chỉ còn 10.000 tỷ đồng (cũng không khả thi). Rõ ràng nợ xấu phát sinh trong 3 năm qua chắc chắn là một con số không hề nhỏ.
Dọn nhà cho nợ xấu
Trong báo cáo của NHNN đã nêu rõ việc xử lý nợ xấu dưới một số hình thức. Tuy nhiên, một hình thức không được công bố một cách chính thức là hiện tượng đảo nợ, gia hạn nợ. Trước đây, NHNN cho phép các NHTM được giãn nợ, tái cơ cấu nợ đối với những khoản nợ quá hạn đáng ra được xếp vào nhóm nợ xấu trở thành nợ bình thường.
Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu của các NH không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thực tế giữa NH và khách hàng còn có tới "101" thủ thuật để giảm con số nợ xấu trên những báo cáo của mình. Cách đây không lâu, giới tài chính không khỏi bất ngờ với thông tin nợ xấu của NH Phương Nam (cũ) lên đến hơn 50%, trong khi các báo cáo chính thức trước đó chưa bằng 1/10 tỷ lệ này.
Hay các trường hợp khác như DongAbank bị đưa vào giám sát đặc biệt, trong khi các báo cáo chính thức trước đó vẫn toàn bình thường. Đặc biệt trong số 3 NH bị mua lại với giá 0 đồng, báo cáo của NH Đại Dương các con số vẫn rất đẹp. Theo một chuyên gia, có thể nợ xấu ngoài bảng hoặc ở những tài sản khác của NH vẫn chưa được tính đầy đủ.
![]() |
Trong khi đó đối với nợ xấu của VAMC hiện nay lên đến 225.000 tỷ đồng, bằng 5,2% tổng dư nợ tín dụng vào cuối tháng 8-2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bản chất đây vẫn là nợ xấu của nền kinh tế. VAMC chỉ là một cái "kho" tạm cất giữ nợ xấu cho các NH. Nợ xấu thực sự của các NH cũng không hề giảm đi khi toàn bộ nghĩa vụ đối với khoản tín dụng này vẫn còn nguyên.
Điểm lợi của hình thức xử lý nợ xấu này là NH trì hoàn được việc trích lập dự phòng và thể hiện con số nợ xấu thực sự trên báo cáo tài chính. Điều này giảm bớt áp lực cho các NH. Ngược lại, khuyết điểm của phương án này là nợ xấu không phản ánh thực tế, có thể dẫn đến động lực xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống tài chính, nền kinh tế chậm chạp hơn.
Như vậy, thực tế nợ xấu đang nằm trong "kho" của VAMC khoảng 45% tổng nợ xấu và có thể chưa thống kê hết từ các NH. Con số 2,93% có thể là con số đẹp, nhưng chỉ phản ánh một phần nhỏ bức tranh nợ xấu.