Xử lý nợ xấu bằng “niềm tin và hy vọng” 

(NDH) Không thể phủ nhận việc phát mãi tài sản rất khó trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế, tuy nhiên nhìn tiếp tục tài sản đảm bảo vài năm nữa sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho VAMC cũng như các TCTD trên khía cạnh chi phí vốn, có thể lên tới vài chục % sau 5 năm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 của NHNN, ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty quản lý tài sản các TCTD VAMC thừa nhận khi xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, VAMC đã phải tổ chức đấu giá nhiều lần, thậm chí có tài sản 7 lần, nhưng vẫn không thành công.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng chia sẻ VAMC không chỉ mua nợ về bán mà tùy theo từng khoản nợ xấu, khách hàng vay mà VAMC có thể hỗ trợ, tái cấu trúc để khách hàng tiếp tục kinh doanh, có cơ hội trả nợ mới lần nợ cũ. Đối với việc xử lý tài sản đảm bảo, người đứng đầu VAMC cũng tin tưởng, một khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp khởi sắc thì việc xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn.

Niềm tin và hy vọng khi kinh tế khởi sắc, xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn, phát mãi tài sản dễ dàng và có giá cao hơn không chỉ của riêng ông Hùng.

Chia sẻ với báo giới về nợ xấu nhóm 5 tại ACB, ông Vijay Maheshwari, giám đốc Tài chính của ACB cho biết ngân hàng đã trích lập 931 tỷ đồng tương đương 36% giá trị nợ xấu nhóm 5 và giá trị thị trường của tài sản đảm bảo cho 2.616 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 là 3.000 tỷ đồng.

Do vậy, ông Vijay đánh giá: “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong tương lai khi kinh tế phục hồi trở lại, kéo theo giá trị tài sản đảm bảo tăng và khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện thì ACB sẽ có nguồn thu lớn từ dự phòng được hoàn nhập”.

Từ những chia sẻ của các lãnh đạo VAMC, NHTM có thể thấy công cụ để xử lý cục máu đông trong nền kinh tế có lẽ là “niềm tin và hy vọng” nhiều hơn là những công cụ, chính sách thực tế.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên chương trình giảng day Fullbright cho rằng các ngân hàng đang ảo tưởng về giá trị tài sản đảm bảo .

Trước đây khi cho vay, ngân hàng nhận thế chấp tài sản là 10 đồng thì nay, khi nền kinh tế suy giảm, thị trường tài sản đi xuống thì giá tài sản cũng phải giảm theo, không thể đòi hỏi vẫn là 10 đồng như thời kỳ bùng nổ trước đây, càng không thể nói rằng đợi thị trường hồi phục sau 5-7 năm nữa thì sẽ bán được với giá hơn 10 đồng. Chính vì sự ảo tưởng như vậy mà các ngân hàng vẫn tiếp tục nắm giữ tài sản, không muốn xử lý để “chờ thời” – ông Tuấn nói.

Chưa kể đến một thực tế đang diễn ra tại nhiều ngân hàng, việc định giá tài sản đảm bảo vài năm trước trong bối cảnh bong bóng bất động sản đang nở to. Giá trị tài sản đảm bảo được các chuyên viên thẩm định cũng như tín dụng ngân hàng đánh giá gấp 2-3 lần giá trị thật. Do đó, giá trị khoản vay được tăng lên đến nay khi phát mãi tài sản thậm chí không bù đắp được phần dư nợ gốc cho vay, chứ chưa kể đến lãi vay suốt mấy năm qua.

Không thể phủ nhận việc phát mãi tài sản rất khó trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế, tuy nhiên nhìn tiếp tục tài sản đảm bảo vài năm nữa sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho VAMC cũng như các TCTD trên khía cạnh chi phí vốn, có thể lên tới vài chục % sau 3-5 năm.

Xử lý nợ xấu không dễ nhất là với điều kiện của Việt Nam không có nguồn tiền lớn, quyền hạn của VMAC hạn chế, cùng bất cập trong vấn đề pháp lý. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở “niềm tin và hy vọng” thì sau 5 năm nữa, khi thời hạn ôm nợ của VAMC kết thúc các TCTD lại đối mặt với tương lai đầy rủi ro.