Xử lý nghiêm TCTD che giấu nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không có trong danh sách những "Tư lệnh" ngành trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều đại biểu gửi câu hỏi bằng văn bản đến NHNN, tập trung nhiều vào vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, tăng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn…


Thực trạng chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD được phản ánh lành mạnh và sát thực tế hơn

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về các biện pháp phát hiện và xử lý các TCTD che giấu các khoản nợ xấu, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN và "Việc thực hiện các quy định này góp phần hạn chế che giấu nợ xấu của các TCTD, thực trạng chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD được phản ánh lành mạnh và sát thực tế hơn".

Ngoài ra, Chính phủ mới ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Theo đó, với các hành vi thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro không đúng quy định của pháp luật, các TCTD sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, các TCTD còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Thực tiễn quá trình xử lý nợ xấu vừa qua, NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát, phát hiện và xử lý việc che giấu nợ xấu. NHNN đã và đang tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phát hiện và cảnh báo sai phạm của các TCTD.

Theo Kế hoạch thanh tra năm 2014, NHNN tiến hành thanh tra pháp nhân đối với 21 đối tượng và thanh tra chuyên đề chất lượng tín dụng đối với 11 đối tượng. Đồng thời, NHNN đã yêu cầu 23 TCTD khác thực hiện kiểm toán độc lập chất lượng tín dụng để nắm bắt đầy đủ và chính xác hơn về tình hình nợ xấu và chất lượng tín dụng của hệ thống NH. Theo người đứng đầu ngành NH, từ kết quả thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng, NHNN có cơ sở đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện hơn nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai nghiêm túc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng nhằm đánh giá chính xác hơn nợ xấu đối với các NHTM theo chuẩn mực phân loại nợ mới để có giải pháp xử lý phù hợp.

NHNN kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu. Đồng thời, NHNN đang nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của VAMC, theo hướng: Tăng cường quyền hạn và chủ động cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu; Từng bước triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; Nghiên cứu bổ sung nguồn lực tài chính cho VAMC để thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và triển khai các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi.

Ngoài ra, NHNN còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán, xử lý nợ, tài sản đảm bảo, cơ chế hoạt động của VAMC nhằm đẩy mạnh hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để VAMC thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần xử lý nhanh nợ xấu.