'Xấu hổ, mắc cỡ' vẫn nợ Bảo hiểm xã hội 

(NDH) Đại diện một đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) lên đến 90 tỷ đồng cho biết mặc dù rất 'xấu hổ, mắc cỡ' nhưng vẫn phải nợ BHXH.

BHXH thất thu 80.000 tỷ/năm

Mỗi năm BHXH Việt Nam thất thu khoảng 80.000 tỷ đồng

Phát biểu trong cuộc Tọa đàm về Bảo hiểm xã hội do cổng thông tin chính phủ thực hiện ngày 28/5, ông Trần Đình Liệu-Trưởng ban thu BHXH Việt Nam cho biết cả nước hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng có trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, 50% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không tham gia BHXH.
Ông Liệu cũng cho biết cả nước có khoảng 16 triệu người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn trên 5 triệu người chưa được tham gia, tương ứng với số thu khoảng 56.000 tỷ/năm.
Bên cạnh đó, mỗi năm cơ quan BHXH thất thu khoảng 24.000 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền lương đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động. Hiện nay, khối DN ngoài nhà nước đóng BHXH ở mức 2,8 triệu đồng/tháng nhưng thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng/người.
Như vậy, tổng số tiền thất thu hàng năm của BHXH lên đến 80.000 tỷ đồng.
'Xấu hổ, mắc cỡ' vẫn nợ BHXH
Theo tin từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3-2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trong cả nước lên đến trên 11 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, không đủ điều kiện đóng BHXH cho người lao động, một số doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn trốn tránh trách nhiệm của mình.
Đơn cử như trường hợp của tỉnh Đồng Nai, thống kê cho thấy top 10 doanh nghiệp nợ đọng BHXH của tỉnh này đều là những công ty làm ăn có lãi.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vẫn trích tiền BHXH, BHYT của người lao động những không hề nộp vào quỹ BHXH.
Với gần 90 tỷ đồng nợ BHXH, Tập đoàn taxi Mai Linh đang trở thành một trong những doanh nghiệp nợ bảo hiểm lớn nhất TP.HCM. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lái xe taxi, gần như không mấy người biết gì về thông tin doanh nghiệp nợ BHXH. Trong khi hàng tháng, doanh nghiệp vẫn trích trừ tiền lương của họ với lý do để đóng BHXH.
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đã thừa nhận ngay về khoản nợ BHXH của tập đoàn, cũng như việc đã thu tiền của người lao động hàng tháng nhưng chưa nộp bảo hiểm. Số tiền thu của người lao động được lý giải được dùng để trả lương, không nợ lương người lao động. Mặc dù tập đoàn đang khó khăn về tài chính.
Đại diện của tập đoàn này cho biết mặc dù nợ 'rất xấu hổ, mắc cỡ nhưng thà rằng nợ chứ không để người lao động mất việc'.

Tập đoàn Mai Linh đang nợ BHXH 90 tỷ đồng

Chế tài xử lý còn hạn chế
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH cho người lao động như hiện nay xuất phát từ việc chế tài xử lý còn hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc, sở dĩ nhiều doanh nghiệp nợ tiền BHXH vì mức lãi suất áp dụng cho việc chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng. Trong khi việc vay tiền ngân hàng lại yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp. Như vậy, việc chậm đóng BHXH sẽ có lợi cho doanh nghiệp hơn việc phải đi vay.
Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, Bà Huyền đề nghị cần nâng mức lãi suất chậm đóng BHXH lên gấp 2 lần so với lãi suất vay ngân hàng.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu.