Theo Cục Quản lý cạnh tranh, mỗi bên liên quan có thể cử không quá 3 đại diện tham gia. Đặc biệt, buổi tham vấn không mang tính bắt buộc, các bên liên quan không có mặt tại buổi tham vấn vẫn được đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 1-9, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Quyết định này xuất phát từ đề nghị của Vedan khi DN này cho rằng, mặt hàng bột ngọt từ Trung Quốc, Indonesia đang nhập khẩu số lượng lớn vào Việt Nam, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh 42/2002, tỷ lệ đại diện của bên yêu cầu phải là 25% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước. Hiện Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam chiếm 46,95% tổng sản lượng bột ngọt được sản xuất trong nước, do đó Vedan đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ đại diện theo quy định tại Pháp lệnh 42. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp Ajinomoto là một bên ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ này.
“Để tổng hợp được số liệu cũng như thu thập thông tin, chúng tôi cần phải có quá trình nắm bắt số liệu, dữ liệu, thậm chí điều tra tại chỗ đối với sản phẩm của các nước bên ngoài, sau đó tính toán mức độ cần thiết để áp dụng mức thuế. Chính vì vậy, hiện tại chưa thể đưa ra con số % áp thuế tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu”, ông Nam nói.