Xác định tiền lương đóng BHXH như thế nào? 

Việc xác định tiền lương tháng để đóng BHXH của công nhân sẽ tuân thủ tuyệt đối quy định của luật pháp, hay có “linh động” để tháo gỡ khó khăn cho DN, tìm cách nuôi dưỡng nguồn thu cho Quỹ BHXH là những băn khoăn khi xây dựng Dự án sửa đổi Luật BHXH.

Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, để làm cơ sở cho cách tính mức đóng BHXH của người lao động, đặc biệt là công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp, thì dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động (chưa tính khoản bổ sung khác).

Cũng theo dự thảo Luật này, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm đầy đủ các yếu tố là lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Thực tế nhiều năm qua, việc người lao động (nơi chủ lao động quy định tiền lương) có mức lương và phụ cấp thấp hơn tiền thưởng (thường nằm trong các khoản bổ sung khác) là tình trạng chung. Điều này làm giảm mức đóng BHXH và gây thiệt thòi cho người lao động khi thụ hưởng chính sách BHXH, nhất là khi nghỉ hưu.

Mới đây, trong cuộc tham vấn ý kiến các bên về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại tỉnh Vĩnh Phúc, thì nội dung này được nhắc đến nhiều, nhất là từ phía đại diện người lao động tại DN.

Đại diện công đoàn một DN sản xuất linh kiện điện tử nêu: “Cở sở tính đóng bảo hiểm có vấn đề. Ở công ty chúng tôi có chức danh thu nhập 10 triệu đồng/tháng, nhưng lương cơ bản là 2 triệu, phụ cấp thêm thắt vào một ít, phần còn lại rất lớn thì chủ DN nói là thưởng. Nhưng có khoản thưởng chúng tôi thấy là cố định hàng tháng”.

Theo điều tra và thống kê của cơ quan chức năng, mức tiền lương tháng đóng BHXH bình quân hiện nay chỉ bằng 60% thu nhập của người lao động. Do vậy, cần phải quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiến dần tới thu nhập thực tế của người lao động để đảm bảo quyền thụ hưởng chế độ.

Nhìn thấy bất cập từ luật hiện hành, các nhà làm luật đã khắc phục từ việc sửa Bộ luật Lao động và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) thì chưa thể áp dụng ngay quy định này từ ngày 1/7/2015 (ngày Luật BHXH sửa đổi dự kiến có hiệu lực) mà chỉ áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Nguyên nhân là việc quản lý “các khoản bổ sung khác” trong thu nhập của người lao động còn bất cập, do các khoản này thường xuyên biến động nên khó ban hành hướng dẫn thực hiện. Do vậy, lộ trình thực hiện từ năm 2018 trở đi nhằm để các cơ quan quản lý nâng cao năng lực giám sát mức tiền lương và thu nhập của người lao động trong các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Ngoài ra, cũng theo bà Nga, trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, nhiều DN còn khó khăn mà áp dụng ngay tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ gây gánh nặng chi phí cho DN, và thu nhập thực tế của người lao động sẽ giảm xuống. Kéo dài thêm 2,5 năm mới thực hiện quy định này cũng là để giúp các DN phục hồi sản xuất kinh doanh và chuẩn bị cho thực hiện.

Tuy nhiên, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần sớm thực hiện mức lương tháng đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Theo ông Lợi, bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN sản xuất, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện giúp các DN đăng ký trả BHXH theo từng giai đoạn để “giãn” mật độ thanh toán. Đặc biệt, pháp luật phải trao cơ chế thanh tra, kiểm tra cho BHXH để “nhắc nhở”, xử lý những trường hợp chậm đóng hay gian lận BHXH.

Đối với những khó khăn về việc quản lý các khoản “bổ sung khác” trong thu nhập của người lao động, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, Bộ LĐTBXH là cơ quan soạn thảo Dự án Luật nên thúc đẩy việc hướng dẫn thực hiện luật. Theo ông Lợi, cần quy định tiền lương theo chức vụ, công việc luôn phải cao nhất trong cơ cấu tiền lương của người lao động để tránh việc chủ lao động lợi dụng, trục lợi.

Tính khoản “bổ sung khác” (thường là tiền thưởng) một cách hợp lý cũng được người lao động trực tiếp góp ý vào dự thảo luật. Bà Bùi Thị Mùi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Vina-Korea (hoạt động về may mặc ở Vĩnh Phúc) cho rằng công ty có duy trì tiền thưởng năng suất, nhưng chỉ thưởng theo từng chuyền may chứ không thưởng cho tất cả, tức là khoản thưởng không cố định thì không nên tính vào mức lương đóng BHXH của công nhân.

Đại diện cho nhiều công nhân ở các DN trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng bày tỏ không tính thưởng năng suất và cả khoản lương làm thêm giờ bởi có người làm thêm ít, có người làm thêm nhiều, nếu tính cả vào lương đóng BHXH sẽ rất phức tạp đối với cả DN và công ty bảo hiểm.