Bản báo cáo đánh giá về phân cấp tài khóa tại Việt Nam cho rằng hiệu quả chi tiêu của chính quyền địa phương không được đánh giá cao. Các kế hoạch chi tiêu của địa phương thiếu độ tin cậy qua so sánh với số thực hiện.
"Đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản - thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán," báo cáo viết sau khi phân tích tình hình của nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam.
Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán đến 42%, các tỉnh ở Tây Nguyên chi cao hơn 35%, còn tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, mức chi bình quân cao hơn lần lượt là 7% và 9%.
"Độ tin cậy thấp" - theo cách nói của Ngân hàng Thế giới về tình trạng chi ngân sách quá mức ở Việt Nam - được lý giải là do cơ quan hành pháp được phép linh hoạt thay đổi dự toán, không cần cơ quan lập pháp phê duyệt.
Báo cáo giải thích thêm, một số chính sách trong Luật Ngân sách nhà nước hiện hành tạo điều kiện cho cơ quan lập pháp tận dụng sự linh hoạt đối với dự toán, bao gồm sử dụng nguồn vượt thu ngân sách (50% chi lương, 50% chi đầu tư) , sử dụng nguồn ngoài ngân sách và các chuyển nguồn có thể lên tới 50%.
Cách chi tiêu như vậy, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, làm giảm tính minh bạch của ngân sách và tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động.
"Đây là vấn đề các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần hết sức quan tâm vào thời điểm này, khi Việt Nam đang đối mặt với các điều kiện tài khóa thắt chặt và huy động đang chậm lại", báo cáo khuyến nghị.
Trong khi đó, chi tiêu của chính quyền địa phương vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu công và tỷ trọng này đã tăng đáng kế từ sau năm 2002 khi Luật Ngân sách nhà nước được thông qua.
Gần 50% tổng chi tiêu chính phủ được phân cấp cho chính quyền địa phương chi, trong đó gần 50% tổng chi đầu tư và nhiều lĩnh vực sự nghiệp xã hội chính như giáo dục (90%), sự nghiệp kinh tế (80%) và sự nghiệp y tế (88% năm 2011).
Bên cạnh đó, phân cấp trong nội tỉnh cũng khiến chi tiêu của chính quyền huyện chiếm tới 45% tổng chi ngân sách địa phương.
Báo cáo khuyến nghị rằng, chi từ nguồn vượt thu không cần gắn với các nội dung chi cụ thể nhưng phải được cơ quan lập pháp phê duyệt; các hoạt động ngoài ngân sách cần được lồng ghép vào ngân sách chung; hạn chế chi chuyển nguồn…