Để đảm bảo chấp hành 750 luật mới về vốn được ban bố sau cuộc khủng hoảng tài chính, JPMorgan Chase phải tuyển mới 950 người.
Thêm 400 người khác được chiêu mộ để theo sát 500 quy định về tính thanh khoản của tài sản.
Một nhóm 300 người nữa được tập hợp để giám sát tuân thủ luật Volcker - thứ tài liệu dài 1.000 trang nhằm cấm hoạt động đầu cơ trong các ngân hàng được liên bang bảo hiểm, tạp chí The Economist gợi lại.
Vòng kim cô tài chính
Mục đích của tất cả các quy định trên là để ngăn chặn vụ sụp đổ năm 2008 lặp lại lần hai. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tài chính cho rằng sự siết chặt ngành ngân hàng trong nôn nóng này thực chất lại gia tăng rủi ro trong hệ thống tài chính.
Cụ thể, ngân hàng tạo ra thị trường cho trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ và hàng hóa. Giả thiết cho rằng một khi các định chế này bị siết chặt, tính thanh khoản của các tài sản trên cũng bị xói mòn theo.
Do đó, nhà đầu tư không thể mua và bán chúng nhanh gọn, rẻ và không làm ảnh hưởng tới giá như trước đây. Kết quả có thể dẫn đến một vụ suy thoái nghiêm trọng khác, khi tính thanh khoản của thị trường vốn đã bị đóng băng.
Chắc chắn các ngân hàng Mỹ đã tiết chế hơn trong hoạt động, khi một loạt bộ luật mới ngăn bộ phận giao dịch kiếm lợi nhuận kếch xù như trước.
Họ từng “om” nhiều trái phiếu và cổ phiếu mua từ nhà đầu tư, chờ bán cho nhà đầu tư khác để ăn chênh.
Giờ đây, họ phải tích trữ nhiều tài sản và vốn hơn để bù đắp cho rủi ro thất thoát từ giao dịch. Dẫn đến lượt trái phiếu được dự trữ giảm, lượt đặt cược cũng hao hụt.
Bất xứng
Trong khi đó, giá trị trái phiếu đến hạn đã lên mức cao kỷ lục, phần lớn trong số đó đang nằm trong tay các nhà quản trị tài sản.
Đây cũng là một phần hệ quả tất yếu của việc ngân hàng giảm cho vay, từ đó người có nhu cầu phải tìm đến thị trường trái phiếu.
Thậm chí các doanh nghiệp có quá khứ tai tiếng cũng phát hành trái phiếu lợi tức cao nhắm tới các nhà đầu tư tham lợi nhuận. Chính phủ cũng lùng sục nguồn vốn để đi vay.
Kết quả, sự bất cân xứng hình thành. Tại Mỹ, các quỹ đầu tư từng giữ trái phiếu nhiều gấp 3 lần ngân hàng. Ngày nay, tỷ lệ này tăng lên tới 20 lần.
Năm 2007, JPMorgan cùng các nhà băng khác giữ 2,7 nghìn tỷ USD giá trị trái phiếu kho bạc, đủ để thiết lập thị trường. Giờ họ chỉ chia nhau 1,7 nghìn tỷ USD, trong khi nợ công của Mỹ đã tăng lên gấp đôi.
Tại châu Âu, nơi các ngân hàng giảm mạnh đầu tư, tình hình còn trầm trọng hơn.
Chênh lệch có thể dẫn đến sụp đổ. Ví dụ trong năm 2014, có thời điểm lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ đột ngột giảm 0,34% không rõ nguyên nhân. Sự kiện này cho thấy tính mong manh của hệ thống tài chính.
Quỹ đầu tư “qua mặt” nhà băng
Các quỹ giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thường hứa hẹn rằng nhà đầu tư sẽ lấy lại ngay được tiền khi yêu cầu, bất chấp tính thanh khoản thấp của tài sản.
Trái phiếu là thứ hàng hóa được giao dịch ít hơn nhiều so với cổ phiếu, tiền tệ và hàng hóa.
Gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán phải mất 50 - 60 ngày để một quỹ tìm người mua cho trái phiếu doanh nghiệp lợi tức cao tại Mỹ.
Trong khi theo luật, các nhà đầu tư được quyền rút lại tiền trong vòng 7 ngày sau khi yêu cầu.
“Không một cơ quan, tổ chức nào nên hứa hẹn vượt quá mức thanh khoản thực của tài sản họ nắm giữ”, ông Howard Marks, lãnh đạo quỹ đầu tư Oaktree, cảnh báo.
Nhiều quỹ khác tỏ thái độ thận trọng trước tình hình thanh khoản giảm sút. Ví dụ, BlackRock - quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - cho biết đã cắt giảm giao dịch đối với một số trái phiếu nhất định.
Một số quỹ khác chia nhỏ các giao dịch lớn thành nhiều giao dịch nhỏ, nhằm ngăn chặn giá cả đổi hướng. Số lượng giao dịch cũng được thu hẹp so với trước đây.
Một lựa chọn khác dành cho các nhà quản trị tài sản là “qua mặt” ngân hàng bằng giao dịch chéo. Họ có thể giao dịch tài sản trực tiếp với quỹ khác mà không sử dụng nhà băng làm trung gian.
Vấn đề nảy sinh là rất khó để kết nối người bán và người mua trái phiếu chỉ bằng thuật toán. Với một danh mục đầu tư phức tạp, khó có thể tìm được hai nhà đầu tư trùng lặp hoàn toàn về nhu cầu mua bán.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không dồi dào về nguồn lực như các ngân hàng. Nên các quỹ đầu tư khó có thể thay thế hoàn toàn chức năng của nhà băng.
Thanh khoản ảo?
Các nhà điều hành biết rõ điều này. Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ đã yêu cầu tổ chức các cuộc “stress test” đối với những quỹ đầu tư để đảm bảo họ có đủ sức khỏe để vượt qua một cơn khủng hoảng.
Ngân hàng Trung ương Anh yêu cầu các quỹ này nghiên cứu kỹ chính sách bảo hiểm. Tuy nhiên, định chế cũng nghi ngờ giới ngân hàng dựng lên mức thanh khoản cao trước khủng hoảng để “dụ” giới chức rút bớt quy định.