Tuy nhiên, bài toán tăng trưởng tín dụng vẫn tắc do doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và các ngân hàng lại e ngại về “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thiếu niềm tin vào thị trường
Những năm trước đây, cứ vào cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) thường tăng mạnh để phục vụ cho "mùa" sản xuất, kinh doanh cuối năm. Nhưng, tình hình năm nay dường như không mấy khả quan. Tính đến hết tháng 8, tín dụng cả nước mới tăng khoảng 4%, bằng 1/3 chỉ tiêu cả năm và giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2013 (6,45%). Đặc biệt đáng lo ngại là dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh rất hạn chế.
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. |
Trước đây, vào thời điểm này, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thiên Bằng, một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng dệt may tại Hà Nội đã tăng mạnh vốn vay nhưng năm nay thì khác. Đại diện DN cho biết, những năm trước, vào dịp cuối năm DN thường vay ngân hàng ở mức trên 4 tỷ đồng nhưng gần đây chỉ dám vay ở mức 2 tỷ đồng, giảm một nửa so với trước do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Lãnh đạo Công ty Thiên Bằng nói: "Do thị trường tiêu thụ hàng hóa khó khăn, việc hạn chế vay vốn, sản xuất cầm chừng giúp doanh nghiệp giảm áp lực hàng tồn kho, kiểm soát rủi ro tốt hơn. Khi nào tiêu thụ hàng hóa tốt lên thì chúng tôi mới vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh".
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Thị Mùi: Chú trọng các gói tín dụng dài hạn Thời gian qua, các NHTM đã đưa ra rất nhiều gói tín dụng kích thích cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, có DN nói rằng, họ chỉ "ngửi" gói chứ không thấy thực chất gói đó như thế nào. Do vậy, ngân hàng cần phải tính toán các gói sản phẩm tín dụng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống sao cho hiệu quả, minh bạch để các khách hàng, DN đều có quyền tham gia. Theo tôi có một thực tế là, với lãi suất cho vay ngắn hạn thì tôi không bàn đến nhưng các gói vay trung và dài hạn thì không ít DN lo ngại vì rất sợ "mắc lừa" ngân hàng vì thường chỉ có ưu đãi lãi suất 1 năm. Sau thời gian đó, lãi suất theo tín hiệu thị trường sẽ do ngân hàng quyết định nên để có mức thỏa thuận giữa DN và ngân hàng là việc làm quá xa vời. |
Theo các chuyên gia kinh tế, việc DN vay vốn kém có nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế chung còn khó khăn nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là do "sức khỏe" DN còn nhiều vấn đề. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để đưa dòng vốn tới DN, cần triển khai đồng bộ các giải pháp vĩ mô quan trọng như tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho DN.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, DN cũng phải chủ động đưa ra những giải pháp như: Giảm giá, thay đổi cơ cấu thị trường như đưa hàng về nông thôn để góp phần giảm hàng tồn kho, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn, nâng cao trình độ quản trị DN...
Ngân hàng thiếu tin tưởng vào DN
Theo Hiệp hội DNNVV, khối DNNVV chiếm hơn 97% số DN cả nước, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, khối DN này ngày càng gặp khó trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khảo sát của Viện Khoa học quản trị DNNVV mới đây cho thấy, bên cạnh khó khăn về thị trường thì việc vay vốn cũng còn nhiều bất cập. Theo đó, chỉ có khoảng 32% DNNVV được vay vốn ngân hàng thường xuyên; 35% phản ánh khó vay, còn lại 33% không thể vay được vốn ngân hàng.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc cho vay đối với DNNVV là hệ thống báo cáo tài chính chưa được các DN thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán theo quy định. Do vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định đề nghị xin vay của DN. Bên cạnh đó, DNNVV còn gặp những hạn chế trong tiếp cận thông tin, trình độ nhân lực, quản trị dẫn tới kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động của giá cả, thị trường. Tài sản bảo đảm của các DNNVV cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu của TCTD như: Tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản không khả mãi, giá trị bảo đảm thấp.
Mới đây, để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời "kích" tín dụng, NHNN đã có văn bản "thúc giục" các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cho vay tín chấp. Với nhiều DNNVV đang bị đình trệ sản xuất kinh doanh do không còn tài sản bảo đảm để thế chấp, chủ trương tăng cường cho vay tín chấp có thể giúp DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, vay vốn không cần tài sản thế chấp vẫn là hành trình gian nan với số đông DN do ngân hàng vẫn khó đặt niềm tin vào "sức khỏe" DN.
Ông Trần Đạo Vũ, Giám đốc Ngân hàng DongA Bank - Chi nhánh Hà Nội cho rằng: Vay tín chấp là một quá trình giao dịch, không thể gặp nhau lần đầu đã có thể cho vay. Hiện ngân hàng đã cho vay tín chấp đối với một số DN. Tuy nhiên, khi DN gặp khó khăn, vỡ nợ, người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là ngân hàng. Do đó, dù đã có chủ trương, lãnh đạo các chi nhánh trực thuộc trong ngân hàng cũng "chùn tay" khi cho vay tín chấp. "DN phải minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, bảo đảm ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền thì mới có khả năng vay tín chấp", đại diện DongA Bank nói.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị một DN cơ khí ở Hải Dương cũng khẳng định: Vay được tiền mà không cần tài sản bảo đảm là chuyện khó hơn... lên trời!. Chủ DN cho hay: Mấy tháng gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tiến triển sau nhiều tháng gặp khó khăn. Dù đã có quan hệ tín dụng hơn chục năm nay với một số ngân hàng quen nhưng khi đặt vấn đề vay vốn tiếp tục mở rộng sản xuất, các ngân hàng đều lắc đầu. Đơn giản vì DN không còn tài sản bảo đảm để thế chấp ngân hàng.