Chạy hết tốc lực mới đạt 10%?
Theo ước tính, đến hết tháng 8/2014, tín dụng cả nước mới tăng khoảng 4%, bằng 1/3 chỉ tiêu cả năm và giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2013 (6,45%). Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2013, nhưng tín dụng vẫn chậm chuyển động. Theo các chuyên gia kinh tế, với một nền kinh tế như Việt Nam, tín dụng nếu chỉ tăng khoảng 0,5%/tháng, thì coi như không tăng trưởng, không có luồng tiền đổ vào nền kinh tế.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sức hấp thụ của nền kinh tế kém do tổng cầu nội địa thấp và nợ xấu chưa được xử lý hiệu quả là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Điều này cũng cho thấy, các giải pháp kích thích tín dụng tăng trưởng tới nay chưa phát huy hiệu quả và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm nay trở nên khó khăn hơn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, nếu nỗ lực, thì tín dụng năm nay cũng chỉ tăng khoảng 10%.
Thực tế, nếu "bóc" cơ cấu tín dụng của các ngân hàng, không khó để nhận ra rằng, dòng vốn đang chảy rất ít vào sản xuất. Cụ thể, theo quy định hiện hành, cho vay khách hàng, cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu đều được tính vào tăng trưởng tín dụng.
Tại VietinBank, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm là gần 3,8%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính mảng cho vay khách hàng, thì tín dụng của VietinBank chỉ tăng 0,45%. Rõ ràng, VietinBank đang tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, để tăng trưởng tín dụng, không thể chỉ mỗi ngân hàng tham gia, mà đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc. Trong đó, các giải pháp nhằm tăng sức cầu trong dân và tăng đầu tư công rất quan trọng.
Tín dụng ngoại tệ tăng gấp 5 lần tín dụng nội tệ
Dòng chảy tín dụng không chỉ ì ạch, mà còn đang có biểu hiện lệch pha trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2014, tín dụng mới tăng 3,68%, trong đó dư nợ ngoại tệ tăng 10,91%, trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng 1,92%.
Vay ngoại tệ tăng nóng trở lại chủ yếu là lãi vay ngoại tệ thấp bằng một nửa so với lãi vay tiền đồng. Thêm vào đó, từ đầu năm 2014, Thông tư 29/2013/TT-NHNN chính thức có hiệu lực đã mở rộng đối tượng vay ngoại tệ. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên được khuyến khích phát triển kinh doanh, dù không có nguồn thu ngoại tệ cũng sẽ được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển thành tiền đồng để sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, vay ngoại tệ tăng mạnh, nhưng không đáng lo và cơ quan này vẫn đang giám sát chặt tình hình. Được biết, 7 tháng đầu năm nay, cán cân thanh toán tổng thể nước ta thặng dư tới 11 tỷ USD. Đây là cơ sở để ngân hàng yên tâm cho vay ngoại tệ. Tuy vậy, nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ này được duy trì, thì sẽ mất cân đối, đồng thời làm sản xuất trong nước hụt hơi, vì thiếu vốn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để đẩy mạnh tín dụng những tháng cuối năm, cần tập trung vào tín dụng nội tệ bằng cách tăng cho vay ngắn hạn.
Dù vậy, nhìn vào chỉ số tăng trưởng của các ngành, có thể thấy, chưa có nhiều cơ hội cho tín dụng tiền đồng bật dậy. 7 tháng đầu năm, chỉ số tồn kho hàng công nghiệp - chế biến vẫn tăng ở mức khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Tăng doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ thấp hơn năm ngoái, chỉ 10,7% so với 12% cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn tăng 16% so với cùng kỳ. Chỉ số đơn mua hàng của doanh nghiệp (PMI) giảm nhẹ so với 2 tháng qua…
Được biết, trong điều kiện vốn dư thừa, NHNN đã cung ứng một lượng tiền lớn để mua ngoại tệ dự trữ. Đồng thời, phải bán một lượng lớn tín phiếu trên thị trường mở để hút tiền về. Tuy nhiên, ông Bùi Hà cho rằng, do cơ cấu kỳ hạn của tín phiếu ngắn, nên sẽ ngày càng tạo áp lực với NHNN về chi phí trả lãi suất và việc phải phát hành với khối lượng lớn để đảo nợ.