Vinacapital: Tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh thêm 1% trong nửa cuối năm

(NDH) Đến cuối quý III/2015, Vinacapital dự đoán tỷ giá trên thị trường tự do sẽ tăng từ 21.280 đồng/USD hiện tại lên là 21.890 đồng/USD. Khi đó, NHNN có khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá 1% thêm một lần nữa, nâng tổng mức điều chỉnh cả năm lên 3%

Tính đến ngày 7/5/2015, áp lực giảm giá lên Việt Nam đồng (VND) đã giảm đáng kể, nhưng đến cuối tháng 5, tỷ giá không chính thức trên thị trường lại tăng lên gần trần.

Trước diễn biến đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những động thái trên thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ VND. Cụ thể, NHNN đã bán ra 200 triệu USD kéo tỷ giá xuống 21.820 đồng/USD, dưới mức trần 21.890 đồng/USD.

Theo dự báo của Vinacapital, một số yếu tố trong nửa cuối năm 2015 sẽ gây áp lực giảm giá lên VND

Việc NHNN bán ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá sẽ khiến dự trữ ngoại hối suy giảm. Hiện tại, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 38-39 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử nhưng chỉ tương đương với 3 tháng nhập khẩu, (mức đảm bảo thấp nhất theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF). Dự trữ ngoại hối giảm sẽ khiến khả năng hỗ trợ thị trường tiền tệ của NHNN cũng sẽ giảm theo.

Sau 3 năm có thặng dư thương mại, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã bị thâm hụt thương mại 3 tỷ USD. Mặc dù vậy, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị, các linh kiện lắp ráp… được sử dụng cho việc sản xuất và xuất khẩu trong tương lai. Do đó, theo đánh giá thâm hụt thương mại này chỉ mang tính chất tạm thời. Đến cuối năm 2015, VinaCapital dự đoán Việt Nam sẽ có thâm hụt thương mại 5 tỷ USD. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến VND

Cùng với đó, lãi suất tại Mỹ có khả năng tăng khiến USD mạnh hơn càng tạo áp lực giảm giá đối với VND. Tuy nhiên, do chính sách tỷ giá của Việt Nam neo vào đồng USD nên VND có thể sẽ giảm giá ít hơn so với các đồng tiền khác, nhưng điều này lại hạn chế xuất khẩu Việt Nam.

Với những yếu tố trên, Vinacapital cho rằng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ chuyển sang nắm giữ đồng tiền khác, khiến VND suy yếu hơn

Đến cuối quý III/2015, Vinacapital dự đoán tỷ giá trên thị trường tự do sẽ tăng từ 21.280 đồng/USD hiện tại lên sát trần cho phép là 21.890 đồng/USD.

Khi đó, NHNN có khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá 1% thêm một lần nữa, nâng tổng mức điều chỉnh cả năm lên 3%

Tỷ giá liên ngân hàng chính thức sẽ là 21.890 đồng/USD còn biên độ giao dịch từ 21.673-22.109 đồng/USD).

Đồng thời, chắc chắn NHNN sẽ có những chính sách nhằm ngăn chặn sự giảm giá của VND. Vinacapital dự đoán Việt Nam sẽ không có động thái hạ lãi suất. Mức trần lãi suất huy động sẽ được giữ ở 5,5% nhằm duy trì mức chênh lệch 4-5% so với lãi suất tại Mỹ, đảm bảo sự hấp dẫn của VND với các nhà đầu tư

Trên thực tế, NHNN có thể sẽ nâng lãi suất nhằm đối phó với việc Mỹ tăng lãi suất trong năm nay. Trong những tuần gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Theo Vinacapital, mức lãi suất chung hiện nay (huy động, cho vay, lợi tức trái phiếu) hầu như đã chạm đáy và sẽ có xu thế tăng lên trong nửa cuối năm nay.

Khi lãi suất tăng lên, chi phí huy động vốn cũng sẽ tăng theo, qua đó tác động tiêu cực đến đầu tư trong nước, gia tăng tín dụng và thậm chí là tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ảnh hưởng của yếu tố này đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể không nhiều.

Nguyên nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), như Samsung, nên lãi suất trong nước có tác động không đáng kể đến hoạt động của họ.

Với dự đoán của Vinacapital rằng VND sẽ giảm giá nửa cuối năm 2015, chi phí sản xuất của những công ty có tín dụng chủ yếu bằng đồng USD hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng lên. Qua đó làm giảm mức lợi nhuận biên và tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Theo Vinacapital, công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) là một ví dụ cho sự ảnh hưởng trên.