Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB- HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2015.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng năm 2014 đạt 330.781 tỷ đồng, tăng 2,29% so với đầu năm 2014. Đến cuối quý I, tiền gửi của khách hàng tăng 3,34% đạt 436.319 tỷ đồng.
Nợ xấu của Vietcombank tăng ở cả 3 nhóm nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 34,27% ở mức 4.770 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 2,3% lên 2,67%.
Về kết quả kinh doanh trong quý, thu nhập lãi thuần của ngân hàng Vietcombank trong quý I đạt 3.496 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ quý 1 đạt 337 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ; Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 6,6% đạt 471 tỷ; từ chứng khoán kinh doanh đạt 96 tỷ đồng. Tổng lãi trước khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng 10,15%, đạt 2.973 tỷ đồng.
Chi phí cho nhân viên quý I/2015 là 852,39 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong kỳ, Vietcombank trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng này đạt 1.456 tỷ, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi ròng cũng giảm nhẹ, còn 1.135 tỷ đồng. EPS trong quý I đạt 425 đồng/ cổ phiếu.
Tính đến 31/03/2015, tổng tài sản của Vietcombank giảm 37.232 tỷ đồng, tương đương mức giảm 6.5% xuống 539.757 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác giảm 50% so với đầu năm, còn 43.100 tỷ đồng. Đồng thời, tiền gửi của các TCTD khác và tiền đi vay TCTD khác cũng giảm 26,5%, đạt 31.767 tỷ đồng.
Trong khi giảm đáng kể việc “đặt” tiền tại các TCTD khác thì Vietcombank lại tăng đầu tư vào các giấy tờ có giá (chứng khoán). Lượng trái phiếu chính phủ để đầu tư đã tăng 10% từ 42.787 tỷ đồng lên 47.222 tỷ đồng, gồm 34.680 tỷ đồng trái phiếu "sẵn sàng để bán" và 12.542 tỷ đồng trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đến cuối kỳ, Vietcombank đang sở hữu 1.872 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.