Việt Nam hoán đổi nợ trong 24h thay vì 20 ngày

Việt Nam là nước thứ 2 của châu Á, sau Philippines, áp dụng hình thức hoán đổi nợ trong vòng 24h thay vì 20 ngày.

Ngày 7/11 vừa qua, Bộ Tài chính thông báo phát hành xong 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, lãi suất 4,8%/năm, kỳ hạn 10 năm.

Đối tác mua trái phiếu chính phủ Việt Nam gồm 17% nhà đầu tư ở châu Á, 28% nhà đầu tư ở châu Âu và 55% nhà đầu tư ở Mỹ. Nếu phân loại theo loại hình nhà đầu tư, có 84% nhà đầu tư là các công ty quản lý quỹ đầu tư, 12% nhà đầu tư là các ngân hàng và 4% nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.

Bà Nguyễn Hạnh Vinh, Giám đốc Bộ phận Thị trường Vốn nợ của Ngân hàng HSBC - Ngân hàng thanh toán và phân phối trái phiếu, cho biết chỉ trong 24h, việc phát hành trái phiếu được hoàn tất. Việt Nam là nước thứ 2 của châu Á, sau Philippines, áp dụng hình thức hoán đổi nợ trong 24h. Thông thường, theo luật của Mỹ, thời gian làm các thủ tục hoán đổi nợ trung bình khoảng 20 ngày.

Tại Philippines, tháng 1 vừa qua, nước này áp dụng hình thức hoán đổi nợ trong 24h, phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu, lãi suất 4,2%/năm, đáo hạn đến năm 2024. Theo đó, mức lãi suất mà Philippines giao dịch thấp hơn mức lãi suất của Việt Nam.

Hoán đổi nợ được hiểu là phát hành trái phiếu mới để đổi lấy trái phiếu cũ có mức lãi suất thấp hơn. Năm 2005, Việt Nam phát hành trái phiếu, đáo hạn vào ngày 15/1/2016, lãi suất 6,875%; năm 2010, trái phiếu chính phủ tiếp tục được phát hành với thời gian đáo hạn 29/1/2020, lãi suất 6,75%. Do đó, trong 1 tỷ USD trái phiếu phát hành đợt vừa qua, tổng trái phiếu hoán đổi cả năm 2016 và năm 2020 là 727 triệu USD theo giá thị trường, 273 triệu USD là phát hành mới.

Để thực hiện được việc hoán đổi nợ trong thời gian 24h, theo bà Vinh, Việt Nam đã xác định các chỉ tiêu ngay từ ban đầu, ví dụ như hoán đổi trái phiếu cũ càng nhiều càng tốt và lợi suất trái phiếu mới cần phải thấp để đạt được mục tiêu giảm dần chi phí trả lãi suất, kéo dài thời gian đáo hạn, tránh rủi ro nợ đến hạn tập trung vào ngắn hạn, góp phần tích cực cải thiện nợ công.

Do đó, trong quá trình hoán đổi nợ, Việt Nam ưu tiên xử lý phần nợ ngắn hạn trước, tức chấp nhận hoán đổi hết số trái phiếu đáo hạn năm 2016 (407 triệu USD) với giá thị trường 436 triệu USD.

Về khoản đáo hạn năm 2020, trái chủ nộp đơn hoán đổi là 509 triệu USD, Việt Nam chấp nhận hoán đổi 50% lượng nộp đơn, tương đương chấp nhận hoán đổi 254 triệu USD, tính theo thị giá là 290 triệu USD.

Khối lượng trái phiếu năm 2020 là 1 tỷ USD, trong đó khối lượng trái phiếu nộp đơn hoán đổi là 511 triệu USD. Ngoài ra, trái chủ xin hoán đổi 158 triệu USD bằng tiền nhưng không được chấp nhận, Việt Nam chỉ chấp nhận việc hoán đổi trái phiếu lấy trái phiếu.

Vì thế, tổng lượng mệnh giá trái phiếu được nộp để hoán đổi là 1,1 tỷ USD cho cả 2 hình thức, tương đương 1,2 tỷ USD trái phiếu giá trị thị trường.

Bà Vinh cho biết Việt Nam có thể thực hiện việc hoán đổi trái phiếu trong vòng 24h là do có sự tham gia tích cực của các trái chủ hiện hữu, mong muốn trao đổi trái phiếu cũ để được nhận trái phiếu kỳ hạn 10 năm mới được phát hành.

Nguồn DVO