Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014, tổ Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng cho rằng, lãi suất giảm chậm, kinh tế tăng trưởng chậm, doanh nghiệp khó khăn là do chính sách của Ngân hàng Nhà nước thận trọng. Việc điều hành lãi suất chưa phù hợp, không hướng về nền kinh tế và các doanh nghiệp, có thiên hướng bảo vệ sự tồn tại của ngân hàng thương mại.
Theo ông Hùng, hiện lãi suất cho vay thấp chủ yếu ở 4 ngân hàng thương mại lớn và chỉ cho khách hàng tốt vay. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì lấy đâu ra nhiều khách hàng tốt mà cho vay với lãi suất ấy. Còn mặt bằng chung của lãi suất cho vay ngắn hạn là 8 - 10%/năm, cho vay trung và dài hạn là 11 - 12%/năm.
Lãi suất "giết chết" doanh nghiệp
"Với mức lãi suất cho vay 11 - 12%/năm hiện nay doanh nghiệp rất khổ, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, lãi suất cho vay giảm chậm là do lãi suất huy động còn cao, có nơi huy động hơn 8%. "Trong điều kiện kinh tế hiện nay, hoạt động gì để có lãi 7 - 8%. Bên cạnh đó, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng còn thấp, tỷ lệ vốn huy động của các ngân hàng chiếm 90 - 95%", ông Hùng phân tích.
Ông Hùng cho rằng trong điều kiện kinh tế hiện nay, lãi suất cho vay chỉ nên 6 - 7%/năm thì mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp.
"Để có được lãi vay này, các ngân hàng có dám mạnh dạn giảm lãi suất huy động xuống 4 - 5%/năm không? Thực tế, nếu giảm xuống mức đó, khách hàng sẽ chuyển sang gửi ngân hàng khác ngay, thanh khoản của nhiều ngân hàng sẽ căng thẳng. Thực tế, điều chỉnh lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước phải cầm trịch. Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ đang chênh lệch, chỉ giữ cho ngân hàng mà không quan tâm đến lĩnh vực khác", ông Hùng bình luận.
Với lãi suất như vậy thì nhiều doanh nghiệp bị phá sản và ảnh hưởng tới ngân hàng do nợ xấu tăng. "Có những ngân hàng yếu kém bị thâm hụt ngày càng sâu, năm sau lỗ cao hơn năm trước, vốn điều lệ chỉ có 4.000 - 5.000 tỷ đồng, chưa kể vốn đó là thật hay ảo nữa", ông Hùng bình luận.
Theo ông Hùng, mặc dù báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội cho thấy có 2000 doanh nghiệp mới đăng ký, nhưng số vốn thực sự đưa vào nền kinh tế cũng rất hạn chế. Vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp bị nợ nhiều, năng lực tài chính rất thấp và phá sản.
"Việc xử lý 160.000 tỷ đồng nợ xấu là không chính xác"
Ông Hùng cũng cho rằng số liệu về nợ công, nợ xấu không thống nhất, còn nhiều vấn đề. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu theo tổng hợp của các tổ chức tín dụng là 3,6%, tuy nhiên, việc tính nợ xấu hiện nay là chưa hợp lý vì đã loại trừ tổng nợ xấu bán cho VAMC, tổ chức tài chính và cơ cấu lại nợ (rất nhiều lần).
"Theo kinh nghiệm của tôi, tiền thu từ việc bán tài sản của doanh nghiệp thế chấp của các ngân hàng cũng chỉ được 5.000 tỷ đồng, cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro thì số liệu về việc xử lý 160.000 tỷ đồng nợ xấu là không chính xác", ông Hùng bình luận.
Ông Hùng nêu thực tế tại Vietinbank thời ông còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo đó, mỗi năm, tiền thu trực tiếp từ bán tài sản cao nhất trong năm cũng chỉ được 900 tỷ đồng, ngoài ra, trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2000 tỷ đồng nữa. "Đó là làm quyết liệt mới được thế. Đây là ngân hàng lớn, còn các ngân hàng nhỏ thì chỉ vài trăm tỷ đồng, thậm chí chỉ vài chục tỷ đồng", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều khoản nợ xấu khác cũng chưa được tính hết như tồn ở các công ty con của hệ thống ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư…
Theo ông Hùng, sở dĩ phải tính tất cả các khoản nợ xấu, vì tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ thu hồi nợ tại các ngân hàng thương mại rất cao. Trong khi đó, nhiều khoản nợ xấu không được tính toán và tồn đọng ở các quy trình rất lớn.
"Để có câu trả lời thuyết phục, cần phải kiểm toán rộng rãi cả hệ thống ngân hàng, có vậy mới có toa thuốc đúng", ông Hùng đề xuất.
Ông Hùng cũng đề xuất xem lại cơ chế hoạt động của VAMC, bởi cách làm này chỉ là giải pháp kỹ thuật, là kho chứa nợ xấu rất nguy hiểm, sau 5 năm nữa số nợ ở VAMC là như thế nào.
"Chúng ta cứ nghĩ chu kỳ khủng hoảng kinh tế chỉ là chu kỳ, nhưng nay đã kéo dài 6 - 7 năm, chúng ta cứ ấp ủ như vậy, che đậy như vậy đến bao giờ? Bởi vậy, việc gom nợ xấu vào kho, sau 5 năm mở kho không những không xử lý được mà hậu quả còn nặng nề lên", ông Hùng khuyến cáo.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Hùng cho rằng còn chậm và hiệu quả thấp. Trong thời gian tới, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải thực chất hơn, mạnh dạn cho phá sản một số ngân hàng thương mại hoạt động kém hiệu quả, minh bạch hơn; tái cơ cấu thị trường vốn, thị trường bất động sản. Cần quan tâm xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, vốn ảo, tài sản ảo tại các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp (lãi suất thấp hơn nữa), đặc biệt là khu vực tư nhân.
"Tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề rất lớn, mình ngân hàng không làm được nhưng mà phải minh bạch. Vì chỉ có như vậy mới có thể huy động được sức mạnh của nền kinh tế để tái cơ cấu", ông Hùng nhấn mạnh.