Thực tế nếu nhìn về nhu cầu sử dụng vốn thì rõ ràng hệ thống NH đang thừa tiền. Theo số liệu của NHNN đến 30/6/2014, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động - LDR 30/6/2014 chỉ là 82,3. Như vậy, các NH huy động 10 đồng chỉ cho vay được có hơn 8 đồng. Thậm chí có NH chỉ cho vay được 7 đồng. Do đó, việc giảm lãi suất huy động là cần thiết để giúp các NH giảm chi phí hoạt động đi.
Không đưa vốn ra được nền kinh tế, tiền sẽ ùn ứ tại ngân hàng. Ảnh: Như Ý
Theo TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT DongABank lãi suất huy động của Việt Nam phụ thuộc vào lạm phát. Mà lạm phát nước ta đang giảm và kiểm soát tốt nên việc giảm lãi suất huy động là phù hợp. Việc giảm lãi suất huy động cũng sẽ điều kiện để các NH giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Một lãnh đạo NH khác đồng tình thực tế đến gần hết tháng 8 tín dụng tăng vẫn khá chậm chạp. Tháng 6 tín dụng tăng, nhưng trong tháng 7, 8 thì lại chững lại. Các DN đang có xu hướng thu hẹp hoạt động dù sắp đến mùa kinh doanh.
Chính vì thế cầu vốn vẫn đang thấp. Dù không đặt kỳ vọng nhưng, dẫu sao, theo vị lãnh đạo này việc hạ lãi suất cho vay cũng có thể phần nào tác động đến quyết định vay vốn của DN chớp cơ hội kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Áp lực lợi nhuận là một trong những lý do NH phải giảm lãi suất huy động. Đó là chia sẻ của một lãnh đạo NH cỡ nhỏ trong khu vực TP Hồ Chí Minh.
Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, trong khi tín dụng, lợi nhuận của NH chưa đạt như kế hoạch. Đấy là chưa kể khả năng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ quá hạn của NH có xu hướng tăng lên. Do vậy, buộc các NH phải giảm lãi suất huy động để bù đắp chi phí hoạt động, tăng doanh thu lên. Nếu không lại rất khó ăn khó nói với các cổ đông.
Cũng phải thấy rằng qua động thái các NH chủ động giảm lãi suất cho thấy lãi suất đang được thị trường điều tiết chứ không cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý.
Một cán bộ NH bày tỏ: “Trước đây mỗi lần nghe phong thanh đến việc hạ trần lãi suất huy động là các NH lại lo sốt vó. Tuy rất muốn giảm lãi suất huy động nhưng lại sợ mất khách, khi cần vốn lại không xoay xở kịp. Nên các NH bằng mọi cách giữ chân khách hàng bằng lãi suất. Nhưng thời điểm này, vấn đề lãi suất không còn là nỗi lo của bọn mình nữa”.
Chính vì vậy, không chỉ các NH lớn mà NH nhỏ chủ động mạnh dạn giảm lãi suất và không quá lo mất khách nữa. “Hiện tại cầu vốn các NH thấp mà cung vốn dồi dào nên chả NH nào lại huy động lãi suất cao” cán bộ NH trên nói thêm.
Với diễn biến lãi suất như hiện nay, các chuyên gia đều nhận định dư địa điều chỉnh lãi suất huy động vẫn còn khoảng 0,5%/năm chứ không nên hạ lãi suất quá mạnh.
Vì thông điệp quá nới lỏng không phải là hay trong bối cảnh Việt Nam đang cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin vào thị trường tiền tệ chưa thực sự cao. Mặt khác dù tỷ giá được duy trì ổn định khi độ chênh lãi suất giữa VND và USD thu hẹp, gần nhau quá có thể dẫn đến sự chuyển dịch đồng VND sang USD ảnh hưởng nhất định mục tiêu chống đô la hóa.
Vietcombank tiếp tục là NH đi tiên phong hạ lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động tiền VND Vietcombank kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,8%/năm giảm 0,2%/năm so với cuối tuần trước. Kỳ hạn 2 tháng, lãi suất huy động 5%/năm. Thậm chí lãi suất dài hạn 12 tháng của NH này chỉ còn 6,5%/năm. Tuy nhiên, NH có mức lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng được thấp nhất trong hệ thống là BIDV khi áp dụng ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cao nhất của NH kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,2%/năm. Các NHTMCP cỡ vừa cũng rục rịch vào cuộc như ACB cũng đã giảm mức lãi suất huy động tiền đồng xuống 5,3%/năm đối với kỳ hạn 1. Sacombank cũng áp dụng lãi suất cho khách hàng gửi từ 50 triệu đồng - 500 triệu đồng tại kỳ hạn 1 tháng chỉ là 5 - 5,2%/năm. |